Doanh nhân là những người chủ doanh nghiệp, trực tiếp đóng thuế cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước.
Thế nhưng, đến năm 2004, cộng đồng doanh nhân mới có một ngày kỷ niệm chính thức. Đó là khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định lấy ngày ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
Ý tưởng này xuất phát từ sự kiện mang ý nghĩa sâu sắc từ 75 năm về trước: Ngày 13/10/1945, không lâu sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi giới Công Thương Việt Nam. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Hiện nay, Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng".
Trong giai đoạn đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước.
Vì thế, quyết định thành lập Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2004 có ý nghĩa nhằm phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh - về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.
Về trách nhiệm cùng đội ngũ doanh nhân thời hiện đại, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần thêm đội ngũ doanh nhân kinh doanh có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo.
Trong nhiều năm qua, thế giới đã công nhận nhiều tỷ phú Việt Nam, đó là những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trần Bá Dương (Thaco), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), ông Trần Đình Long (Hòa Phát Group), ông Trương Gia Bình (FPT)…
Gần đây nhất, tháng 9 vừa qua, trong danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen) của Forbes có 2 đại diện của Việt Nam là bà Trương Thị Lệ Khanh – nhà sáng lập và Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn và bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trong 5 năm trở lại đây, hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa. Rất nhiều doanh nghiệp Việt sau thời gian tích lũy cơ bản đã bắt nhịp với thế giới. Giá trị doanh nghiệp Việt cũng đã tăng lên, chưa kể hàng chục doanh nghiệp xã hội có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu USD.
Hiện nay, khi Việt Nam phải gánh chịu tổn thất do COVID-19 gây nên, doanh nhân - doanh nghiệp cũng được coi là nhân tố quan trọng để Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép: Vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: "Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trên mặt trận kinh tế, khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì đời sống, sinh kế của người dân cũng sẽ gặp khó khăn".
Thực tế đã chứng minh, sau khi COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nhân đã hết mình hỗ trợ, chia sẻ sự khó khăn với những địa phương vùng dịch, chứng tỏ tinh thần "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều" - truyền thống quý báu của người dân Việt.
Bình luận