Ngày 30/7, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến về xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng tăng so với những năm trước. Theo ông Nhân, tình trạng này có lợi cho “cò” đất và một số cán bộ Nhà nước.
“Từ nay trở đi phải xử lý xây dựng không phép ngay khi phát hiện, không để kéo dài. Cả thành phố có 1.200 Thanh tra xây dựng thì làm sao có mặt 24/24, nhưng ở đâu cũng có người dân cả. Nếu người dân đồng thuận thì chính họ là người báo cho cơ quan chức năng”, ông Nhân khẳng định.
Với những công trình xây trái phép đang tồn tại, ông Nhân yêu cầu các địa phương có giải pháp rõ ràng, phải có quy định được tồn tại bao lâu, tồn tại như thế nào.
Trong khi đó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ kiên quyết cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm.
Trong đó, Sở Tư pháp thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp chế tài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng như: Các biện pháp, giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm; không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, ông Phong nói cũng chỉ đạo công an thành phố khẩn trương xác minh, xử lý hình sự những người vi phạm trật tự xây dựng nhiều lần. Đặc biệt là các đầu nậu phân lô bán nền, gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung.
“UBND các quận huyện, phường xã có trách nhiệm rà soát tình hình xây dựng và chỉ rõ trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng không phép, sai phép hay không đúng quy hoạch”, ông Phong nói.
Theo thống kê, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp GPXD và hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng “nở rộ”, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, do Luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.
Hiện nay, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế; kinh phí cưỡng chế; lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế.
Bên cạnh đó, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tình hình tăng dân số ở dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp.
“Chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa chủ động đấu tranh, tuyên truyền, vận động, phát hiện ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng”, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Bình luận