Ngày 15/9, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 250 triệu đồng đối với Công ty cổ phần (CTCP) Con Cưng.
Theo quyết định, Con Cưng bị phạt tổng cộng 250 triệu đồng vì mắc 11 lỗi, như không gắn tên địa điểm kinh doanh tại nơi kinh doanh; thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về thông tin phải thông báo công khai khi thực hiện chương trình khuyến mãi; không cung cấp đủ thông tin về hàng hoá, dịch vụ, giá cả cho khách hàng...
Trước đó, theo kết luận kiểm tra về chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của Con Cưng được Bộ Công thương công bố giữa tháng 8, doanh nghiệp này có các vi phạm về nhãn hàng hóa, khuyến mại và thương mại điện tử.
Trước nữa, công bố tại cuộc họp báo chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức ngày 31/7, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín cho hay Con Cưng có 7 hành vi vi phạm bị phát hiện.
Vì sao ban đầu lãnh đạo Cục Quản lý thị trường xác định Con Cưng có 7 vi phạm, sau đó thông báo kết luận là 3, nhưng khi xử phạt lại là 11 vi phạm?
Ngày 17/9, trả lời VTC News, một thành viên trong đoàn kiểm tra xử lý các vi phạm tại CTCP Con Cưng cho biết việc xử phạt là đúng quy định pháp luật, thống nhất từ đầu đến cuối.
“Công bố ngày 31/7 tại cuộc họp báo chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là 7 dấu hiệu vi phạm. Đây là cơ sở để từ đó đoàn kiểm tra đối chiếu, xác minh, làm rõ”, vị này nói.
“Ngày 17/8, đoàn kiểm tra đã có báo cáo kết luận việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Con Cưng.
Báo cáo chỉ rõ Con Cưng vi phạm ở các Nghị định Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 (điều 30, 31), Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 (điều 48), Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ (các điều 81, 82, 84)”, vị này nói thêm.
Vẫn theo vị này, quyết định xử phạt hành chính ngày 15/9 là tổng hợp các vi phạm liên quan và đúng theo quy định tại các nghị định. “11 lỗi bị xử phạt nằm trong những vi phạm tại 3 Nghị định trên”, vị này nói.
Vị này khẳng định, đoàn kiểm tra đã thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm, đúng theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi chính đáng, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
“CTCP Con Cưng cũng đã có hai thư cám ơn Bộ trưởng Công thương và đoàn kiểm tra đã công tâm, khách quan, giúp doanh nghiệp nhìn ra những thiếu sót, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh”, vị này cho biết.
CTCP Con Cưng vướng nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá khi một khách hàng cho rằng đã mua phải sản phẩm bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ từ Thái Lan.
Trước những nghi vấn liên quan nguồn gốc sản phẩm, Con Cưng đã lên tiếng bác bỏ và đưa ra bằng chứng chứng minh xuất xứ của lô hàng là chứng nhận 100% nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan hoặc các nước khối ASEAN và hàng hóa sản xuất 100% tại Thái Lan.
Ngày 21/7, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, đã có công văn hỏa tốc gửi Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đề nghị Chi cục chỉ đạo các Đội quản lý thị trường trực thuộc tiến hành thẩm tra, xác minh các địa điểm kinh doanh thuộc chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity trên toàn địa bàn thành phố.
Ngày 31/7, đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết, bước đầu phát hiện chuỗi siêu thị Con Cưng có 7 dấu hiệu vi phạm.
Tuy nhiên, kết luận kiểm tra về chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của Con Cưng được Bộ Công thương công bố giữa tháng 8, doanh nghiệp này không vi phạm bán hàng giả mạo xuất xứ như nghi vấn trước đó, mà chỉ mắc lỗi trong khuyến mãi, thương mại điện tử...
Video: Tranh luận tại Cục QLTT về 'kỳ án Thuận Phong'
Ngay sau khi công bố kết luận kiểm tra chính thức, Bộ Công thương đã lập tổ công tác rà soát lại quy trình kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cũng có chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra lại quy trình công tác của lực lượng quản lý thị trường trong vụ việc kiểm tra hàng hoá của Con Cưng, nhất là việc tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin.
Thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị Con Cưng ban đầu tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu mở rộng thị phần ra cả nước.
Bình luận