Hôm 18/5, Mỹ gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, cáo buộc vị Tổng tống đương nhiệm thu lợi từ các thương vụ mua bán ma túy bất hợp pháp, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt lên một số quan chức Venezuela, trong đó có nhân vật số 2 của đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền, ông Diosdado Cabello cùng vợ ông là bà Marleny Josefina Contreras và anh trai của mình.
Trong một tuyên bố đáp trả, chính phủ Maduro gọi các lệnh trừng phạt là một “chiến dịch gây hấn có hệ thống” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và nói rằng nó không có cơ sở pháp lý.
"Thật không ngạc nhiên khi vào đêm trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới khi người Venezuela ra đường để bảo vệ nền dân chủ chống lại các cuộc xâm lược của đế quốc đang cố gắng làm xáo trộn nó, chính quyền Mỹ một lần nữa lại tìm cách phá hoại cuộc bầu cử", tuyên bố nêu rõ.
6h sáng 20/5 (giờ địa phương) tức 17h cùng ngày theo giờ Việt Nam, 20 triệu cử tri Venezuela đã bắt đầu di chuyển tới tới 34.000 điểm bỏ phiếu để bầu ra Tổng thống nhiệm kỳ 2019-2025 và hội đồng lập pháp địa phương. Các điểm bầu cử đóng vào 18h ngày 21/5 (tức 5h tại Việt Nam).
Trong khi Tổng thống đương nhiệm Maduro khẳng định cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng, phe đối lập từ chối tham gia vì nói rằng không thể giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử gian lận.
Để đập tan cáo buộc này, Venezuela đã phải mời các quan sát viên từ các nước đồng minh, đại diện Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế tới giám sát cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ không cử đại điện tới tham gia với lý do quốc gia Nam Mỹ không đảm bảo một tiến trình bầu cử dân chủ.
Cuộc bầu cử Venezuela diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Giới chuyên gia nhận định rằng nếu không có gì thay đổi, Tổng thống Nicolás Maduro chắc chắn sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử tới bởi không có một lực lượng đối lập đủ mạnh để cản bước ông. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được công bố vào tối 21/5 theo giờ địa phương.
Bình luận