• Zalo

Venezia thành phố mộng mơ trên biển

Tổng hợpThứ Hai, 07/11/2011 12:52:00 +07:00 Google News

Từ hai thế kỷ trước Venezia đã là thành phố dành cho du lịch, tới bây giờ hằng ngày có trên dưới trăm chiếc tầu...

Thành phố Venezia (Venice) nằm ở miền trung nước Italia, nhưng độc đáo là thành phố nằm trên vụng biển xinh đẹp với hàng trăm đảo lớn nhỏ. Từ đất liền ra thành phố Venezia phải đi bằng tầu có sức chở 30 - 50 hành khách. Và từ hai thế kỷ trước Venezia đã là thành phố dành cho du lịch, tới bây giờ hằng ngày có trên dưới trăm chiếc tầu chạy như con thoi đưa khách ra thăm thành phố mộng mơ này.

 
      Ngay khi trong gần một giờ đồng hồ ngồi trên tầu tôi đã bất ngờ choáng ngợp trước cảnh tình các đảo với những công trình kiến trúc nhấp nhô nửa cổ điển nửa hiện đại nằm hai bên hải trình tới đảo chính. Phong cách kiến trúc Gothic là chủ đạo. Những ngôi nhà nhiều tầng nhiều cửa sổ rộng không ban công. Xen kẽ là những kiến trúc kiểu lâu đài có tháp cao nhọn hoặc tròn bầu kết hợp nhuần nhụy trong không gian như được dựng xây trong một bố cục kiến trúc tổng thể cho toàn thành phố. Người trưởng tầu ưu ái cho tôi được lên boong cho tiện ngắm nhìn và chụp ảnh. Con tầu bồng bềnh trên ngọn sóng, tốc độ tầu chạy nhanh, tay máy tôi chao đảo, và cảnh bên nào cũng đẹp cũng nên thơ, nhìn cửa bên này ngoắt qua cửa bên kia bấm máy chụp như “ăn gỏi”, chậm một chút là lỡ mất khuôn hình đẹp. Người lái tầu nhìn tôi cười cười đưa hai bàn tay để song song ngang ngực như muốn nói hãy giữ thăng bằng. Có ý canh chừng tôi có thể ngã lúc nào không hay.

      Bến cảng tấp nập tầu cập bến. Tôi còn chưa rõ tại sao dọc bến cảng người ta trồng rất nhiều cột bê tông to như cỡ cột nhà, lô xô tạo hình đều và đẹp, như một đại công trình mới đổ xong bê tông cột mà chưa đổ bê tông sàn trần. Hoặc để neo thuyền, hoặc để cản sóng, hoặc làm “ga-ra” cho các tầu nhỏ và thuyền gondola xếp đỗ.

 
      Bến cảng rộng như quảng trường. Có rất nhiều ki-ốt bầy đủ các thứ hàng hóa may mặc, tiêu dùng và hàng lưu niệm đặc thù ở Venezia. Người từ tứ xứ đến đây đông như có hội chợ, di chuyển chen vai thích cánh. Đoàn nào cũng giương cao cờ hiệu để du khách nhận diện biết đường mà theo nhau. Chỉ cần mê ngắm một thứ hàng ở một ki-ốt nào đó, hoặc hàng bày trên những tấm bạt trải trên đường đi, là lạc đội ngũ luôn. Khổ cho các hướng dẫn viên luôn miệng dặn dò và vẫy gọi, mặc dù đã hứa sẽ tạo những điểm dừng và thời gian mua hàng thích hợp để mọi người an tâm, mà vẫn không ngăn nổi họ ngắm nhìn và tranh thủ mua nhanh. Những người bán hàng rải bạt ở đây toàn là người da đen da nâu, và hàng là hàng Tầu và Ấn Độ nhập phi mậu dịch. Kính dâm, đồ giả da, giầy dép, khăn quàng, áo phông, đồ chơi …bắt mắt và rẻ bất ngờ ấy là tính theo euro, nhẩm tiền Việt lại đắt hơn ở Việt Nam.

      Tôi từng tự ái về cách thức các nước châu Âu đòi điều kiện để cấp visa: Sổ đỏ nhà ở, hộ khẩu, sổ lĩnh lương hưu trí, sổ tiết kiệm có số dư tối thiểu 5.000 đô-la Mỹ, đăng ký kết hôn. Người trẻ cũng cần ấy thứ và thêm quyết định của cơ quan. Người trẻ không là công chức viên chức thì xin “nghỉ khỏe”. Lại còn phải cam kết sẽ trở về nước sau chuyến đi. Đó là “tinh thần” của “Hiệp định Chengen” nhằm siết chặt làn sóng người nhập cư bất hợp pháp vào các nước thuộc Liên minh châu Âu. Giờ đây đứng trên thành phố Venezia trùng điệp người thuộc các nước “thế giới thứ ba” đang sống tá túc ở đây, mới vỡ lẽ tuy vẫn còn bực mình. Về nước còn phải đến sứ quán nước đã cấp visa cho mình trình diện. Nếu không sứ quán sẽ liệt tên mình vào danh sách “nhân vật cần quan tâm”. Do dự suốt bốn năm không đi du lịch châu Âu là bởi những quy định nhiêu khê ấy.

 
      Thành phố Venezia được xây dựng trên một quần đảo bao gồm 118 đảo, với một mạng lưới kênh đào nổi tiếng khoảng 150 kênh cùng một cái phá cạn. Những hòn đảo trên đó thành phố được xây dựng, nối với nhau bằng 400 cây cầu bắc qua kênh. Trong trung tâm cũ, những kênh đào đóng vai trò như những con đường, và mọi dạng giao thông là trên mặt nước hoặc đi bộ. Vào thế kỷ XIX một con đường chính vào đất liền đem đến một trạm xe lửa đến Venezia, và một đường xe hơi cùng bãi đậu được thêm vào trong thế kỷ XX. Vượt qua khỏi những đường qua Venezia trên bộ ở cạnh phía bắc thành phố, giao thông bên trong Venezia vẫn là, như trong nhiều thế kỷ trước, là hoàn toàn trên mặt nước hoặc đi bộ. Venezia là khu đô thị rộng nhất châu Âu không có xe hơi, duy nhất ở châu Âu trong việc duy trì hoạt động như một thành phố bình thường trong thế kỷ XXI hoàn toàn không dựa vào xe ô tô hay xe tải.

      Thuyền Venezia cổ điển là thuyền có tên là “gondola” dù cho ngày nay nó được dùng chủ yếu cho du khách, hay cho đám cưới, đám ma, hay các dịp lễ hội gì đó. Chèo tay bằng mái chèo. Rất lãng mạn và thơ mộng. Gondola có dáng con thoi cong như cánh cung nỏ, và nhỏ như chiếc thuyền độc mộc nhưng chiều ngang rộng đủ cho hai người ngồi. Hai đầu mũi thuyền vươn vút lên hai biểu tượng như đầu rồng và đuôi rồng chạm trổ công phu như thuyền rồng của vua chúa ngày xưa. Một đoạn đầu mũi và lái thuyền có vòm che lòng thuyền. Giữa thuyền có ghế tựa cho khách. Hai bên thành thuyền có gắn tượng dẹt con vật có tạo hình dài như lạc đà, khủng long, long xà vừa đẹp vừa có công năng giữ an toàn cho du khách. Toàn bộ con thuyền sơn đen phía ngoài và sơn son thếp vàng bên trong. Có con thuyền hiện đại hơn thì sơn đủ màu xanh đỏ tím vàng trắng nhưng phối màu rất hài hòa tuy sặc sỡ. Bốn mươi lăm phút đi du ngoạn trên kênh đào bằng gondola là 50 euro, tương đương 1,5 triệu VNĐ. Cũng cần cân nhắc. Đa số người Venezia ngày nay đi lại bằng thuyền gắn máy (vaporetti) di chuyển trên các tuyến dọc theo các kênh đào chính và giữa các hòn đảo trong thành phố. Thành phố này cũng có nhiều thuyền tư nhân. Những gondola vẫn còn được sử dụng phổ biến bởi người Venezia là những traghetti, những phà chuyên chở khách bộ hành băng ngang kênh đào chính của Venezia tại một số điểm nhất định mà không có cầu. Nhắc tới cầu cần điểm danh chiếc “Cầu Than Thở”. Chục thế kỷ trước là nơi các tù nhân dừng chân than thở lần cuối cùng sau khi rời nhà tù và trước khi bị hành hình. Giờ lại là nơi cho các đôi bạn trẻ trao cho nhau nụ hôn dưới ánh trăng, thì tình yêu ấy mới là bền vững. Ở nơi này người ta vẽ hai chiếc pa-nô cổ động cỡ lớn cái “cảnh hôn” ấy rất lãng mạn, treo hai bên thành con kênh đào có chiếc cầu Than Thở bắc qua. Và lòng kênh luôn có các thuyền gondola nhịp nhàng mái chèo khua nước.

 
      Venezia được phục vụ bởi một sân bay quốc tế Marco Polo, hay là Aeroporto di Venezia Marco Polo, đó là tên đặt theo tên một người công dân nổi tiếng sinh ra ở đây. Sân bay này vốn trên đất liền, đã được xây lại cách xa bờ biển để du khách phải đi xe buýt đến cảng, rồi từ đó sử dụng taxi nước (waterbus) hay thuyền máy Alilaguna.

      Nơi trung tâm thành phố Venezia có quảng trường Thánh Mark và nhà thờ Thánh Mark (Saint Mark) nằm kề bên. Quảng trường St. Mark không rộng như quảng trường Plazza del Duomo ở Milan, nhưng chim bồ câu nhiều không thua kém gì ở nơi đó. Chúng cũng ào ạt vây quanh du khách thân thiết không dứt ra được nếu như trên tay du khách có gói ngô hoặc hạt đậu hoặc bánh quy vụn. Chính quyền Venezia cũng từng có chỉ thị cấm du khách không cho chim ăn một năm để chim di trú nơi khác nhằm cứu vãn các công trình kiến trúc đang bị… phân chim làm biến màu trắng thành đen, phải chi rất nhiều tiền cho việc tẩy rửa. Nhà thờ St. Mark cao 100 mét cũng là một công trình kiến trúc tiêu biểu, có mái vòm bằng đá, xây từ năm 820 mãi tới thế kỷ XII mới xong. Nhà thờ này khác kiến trúc Pháp. Mặt trước nhà thờ khắc tranh tinh xảo tới mức nhận ra từng chi tiết gương mặt các nhân vật trong tranh diễn tả Phúc âm. Xế bên có tượng đài cao 30 mét trên đó là bức tượng sư tử có cánh – Biểu tượng của vương quyền – được gọi là Winged Lion of Saint Mark, một biểu trưng của Venezia.

 
      Theo truyền thuyết thì Venezia được thành lập từ năm 422 bởi những người La Mã chạy trốn khỏi người Goth, tuy nhiên không có những ghi chép lịch sử nào nói về nguồn gốc của Venezia. Thành phố có lẽ được lập nên như là kết quả của sự gia nhập ồ ạt của những người tị nạn vào vùng đầm lầy của sông Po theo sau sự xâm lược tàn phá phía đông bắc nước Italia bắt đầu bởi Quadi và Marcomanni trong năm 166 – 168. Từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XII Venezia phát triển thành một thành quốc (một thalassocracy kiểu Italia hay là Repubblica Marinara). Vị trí chiến lược tại điểm địa đầu của biển Adriatic đã đem lại thế mạnh về thủy quân và kinh tế cho thành Venezia là điều hiển nhiên. Venezia trở thành một trung tâm phồn thịnh về thương mại giữa vùng Tây Âu và phần còn lại của thế giới (đặc biệt là đế chế Byzantin và thế giới Hồi giáo). Cũng chính vì Venezia có vị trí quan trọng vậy mà nó đã bị giành giật hết tay này sang tay khác của các quốc gia cường lực. Chính nhà chinh phạt người Pháp Napoléon Bonaparte cũng chinh phục Venezia trong Chiến dịch Liên minh Lần thứ nhất. Mà trước đó Venezia đã trở thành một thành phố tráng lệ nhất ở châu Âu, có ảnh hưởng lớn tới nghệ thuật, kiến trúc và văn học. Napoléon được xem như là người giải phóng dân Do Thái của thành phố, mặc dù không có nơi nào khác trên nước Italia mà họ đã sống qua nhiều thế kỷ có ít giới hạn hơn Venezia. Ông phá bỏ những cổng của Ghetto và chấm dứt các hạn chế về địa điểm và thời gian mà người Do Thái có thể sống và đi lại trong thành phố.

      Vào năm 1848 – 1849 một cuộc cách mạng tái thiết lập Cộng hòa Venezia trong một thời gian ngắn, theo sau cuộc chiến 6 tuần, Venezia, cùng với phần còn lại của Venetia trở thành một phần của Italia.

 
      Có lẽ người ta nói đúng “Đến Italia mà chưa tới Venezia và thành Rome là chưa tới Italia”.Trên mọi đường phố Venezia ngày này lúc nào cũng đông nghịt người thăm viếng. Các ki-ốt giờ nào cũng chật người xem hàng mua hàng như một cơn sốt. Những người từ các quốc gia Phi châu ăn mặc phóng túng mang hàng bán dạo mời chào líu lô thân thiện mà không hề đỏng đảnh. Hàng hóa tiêu dùng đủ thứ trên đời đổ về đây từ các quốc gia đang phát triển hẳn là dành riêng cho khách du lịch. Một người mua một chiếc áo phông in hình ở ngực áo chiếc thuyền gondola cùng hàng chữ Venezia đẹp mắt ở một siêu thị. Nhưng mảnh vải đính cạnh sườn trong áo lại ghi “Made in China”. Thắc mắc, người chủ shop chỉ xuống hàng chữ dưới liền kề “Tiêu chuẩn châu Âu”, và cười. Vậy hàng hóa bán ở Venezia có hai loại. Dẫu là “Made in China” hay “in India” hay “in Sri Lanka”… mà có chữ “Tiêu chuẩn châu Âu” là thuộc loại chất lượng cao và chỉ bán trong các shop. Còn những hàng bán ở các ki-ốt và bán dạo là hàng chất lượng thấp, giá rẻ hơn. Không có gì là gian dối cả. Tiền nào của nấy.

      Tôi tới Venezia vào tháng giữa lúc thành phố Venezia đang chuẩn bị cho sự kiện Liên hoan Phim của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới tranh Giải Sư Tử Vàng 2011 lần thứ 68 sẽ được tổ chức ở Venezia vào tháng 8 và tháng 9 này. Có thể đó cũng góp phần làm nóng thêm không khí văn hóa nghệ thuật cho thành phố mộng mơ.

      Chị Nara hướng dẫn viên du lịch khoe, Venezia có một xưởng sản xuất thủy tinh, nghề truyền thống nổi tiếng của người dân Venezia. Tôi vào đó mà như lạc vào cõi tiên cảnh đầy sắc màu lung linh của các sản phẩm đủ kiểu dáng và thể loại hàng. Phải mất gần giờ đồng hồ mới dạo hết các showroom. Cái gì cũng thích cũng muốn mua nhưng không thể vì cồng kềnh. Thủy tinh Venezia có độ liên kết chắc tới mức thả chiếc ly rượu từ độ cao hai mét rơi xuống sàn đá mà không vỡ. Một chiếc bình tròn khách giả vờ lỡ tay gạt đổ rơi từ trên quầy xuống cũng còn nguyên vẹn. Khách du lịch cười hơ hơ vỗ tay trầm trồ khen. Độc đáo quá đi thôi. Phần lớn khách tham quan mua các chuỗi dây đeo cổ gắn kết các hạt thủy tinh đủ màu sắc long lanh với dây đeo chế tác từ vàng Italia chính hiệu với giá 100 euro, tương đương 3 triệu VNĐ. Vậy mà có bà làm luôn chục dây liền mang về làm quà mà không cần phải nghiến răng lên gân. Các loại dây đeo và các sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ thủy tinh các cửa hàng ngoài đường phố bán rất nhiều, giá rẻ hơn nhiều. Cũng “Made in Venezia” nhưng có lẽ chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu.

 
      Bữa trưa, chị Nara đặt bánh Pizza và Pasta phong cách Italia. Chị mời tôi một ly rượu nho. Ngon tuyệt. Tôi khen. Vị đậm thơm khác với rượu nho Pháp mà tôi đã uống ở vùng nho Strasbourg. Nara khoe đó là loại nho đặc chủng của Venezia. Một loại nho trắng quả nhỏ bằng đầu ngón tay út. Mùa thu hoạch rộ là vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Ủ lên men và cất rượu. Lưu giữ dưới hầm tối thiểu ba bốn năm, chỉ dùng tại Venezia để giữ bản sắc riêng cho Venezia. Ai đã đến đây ra về là không thể quên. Cười. Đúng là không thể quên cái cách khoe khéo của Nara.

      Sáng hôm sau gặp nhau ở sảnh ăn sáng khách sạn Crowne Plaza, ai nấy trong đoàn du lịch gương mặt cùng rạng rỡ tươi vui khoe rối rít những hàng mình mua tuy là “Made in China” “ in India” “in Sri Lanka” nhưng đều có thêm dòng chữ “Tiêu chuẩn châu Âu”. Thì ra họ cũng giống tôi.

      Du ký của Khiếu Quang Bảo
Bình luận
vtcnews.vn