Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán VEA) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông 2019 dự kiến tổ chức ngày 31/5. Theo đó, đại hội lần này, hội đồng quản trị VEAM sẽ trình tiếp tục trình xin cổ đông việc niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phần VEA trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Hội cổ đồng cổ đông 2018 của VEAM đã phê duyệt việc niêm yết trên. Tuy nhiên, do đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này vẫn chưa đáp ứng đầy đủ quy định của HoSE nên việc niêm yết chưa thực hiện được.
“Nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động và quản trị, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu VEAM trên thị trường, hội đồng quản trị VEAM kính trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 xem xét thông quan việc niêm yết cổ phiếu VEAM tại HoSE”, tờ trình của VEAM nêu.
Cũng theo tài liệu trình cổ đông, năm 2019, VEAM dự kiến doanh thu khoảng 2.398 tỷ đồng, giảm 18% so 2018 nhưng lợi nhuận tăng trưởng 23%, lên 6.402 tỷ đồng.
Thời điểm hiện tại, VEAM vẫn tồn tại nhiều vấn đề về quản lý tài sản và công tác cán bộ. Cụ thể, theo kết luận mới được Thanh tra Bộ Công Thương công bố, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM hằng năm đều có lãi, song thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda…) mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ.
Kết quả thanh tra chỉ ra trong quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.
Cùng đó, do chưa quyết toán cổ phần hóa và bàn giao tài chính từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) sang công ty cổ phần (CTCP) nên một số hợp đồng kinh tế chuyển tiếp chưa được ban giám đốc báo cáo hội đồng quản trị và chưa thực hiện theo quy trình kinh doanh thương mại đối với 1.500 xe Changan.
Bên cạnh đó, việc bảo lãnh cho nghiệp vụ mở và thanh toán L/C cho chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto trong hợp đồng quản lý tài khoản chuyên dụng giữa Ngân hàng Sacombank, VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto trong việc mua bán lắp ráp xe ô tô Changan chưa thông qua hội đồng quản trị.
Hiện VEAM đang làm việc với các cơ quan nhà nước về khoản ấn định thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do khai sai mã HS, thuế suất hàng hóa nhập khẩu số thuế ấn định hơn 352 tỷ đồng, số đã nộp gần 173 tỷ đồng, số còn lại gần 180 tỷ đồng đã nộp trong năm 2019.
Liên quan tới những vấn đề lùm xùm tại VEAM, đầu tháng 4, Bộ Công Thương đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an và cơ quan này đang điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.
Cùng thời điểm này, VEAM công bố thông tin lên Ủy ban chứng khoán nhà nước về việc Hội đồng quản trị có nghị quyết bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM với ông Trần Ngọc Hà.
Việc ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức vụ tổng giám đốc liên quan tới việc cuối năm 2017, ông này tự quyết định và giao Giám đốc nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện ô tô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua Hội đồng quản trị.
Trong các văn bản giải trình sau đó, VEAM cho rằng việc ông Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có thiếu sót về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Sau khi ông Hà bị bãi nhiệm, ông Ngô Văn Tuyển - Thành viên hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc được bổ nhiệm thay thế, là người đại diện pháp luật của VEAM.
Bình luận