"VNSC chế tạo vệ tinh PicoDragon nặng 1kg vào năm 2013, nhưng để chế tạo được vệ tinh nặng 50kg như MicroDragon là cả một bước dài", ông Vũ Anh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC) chia sẻ với báo chí cách đây không lâu về vệ tinh do người Việt chế tạo - MicroDragon 50 kg.
MicroDragon sẽ cùng với các vệ tinh Nhật Bản bay vào vũ trụ vào 7h50 (giờ Việt Nam) ngày 17/1 tới, từ Trung tâm vũ trụ Uchinoura.
Đây là thành quả từ quá trình học tập của 36 thạc sỹ trẻ Việt Nam được cử sang Nhật Bản học thạc sĩ tại 5 trường đại học lớn về công nghệ vệ tinh trong khoảng thời gian từ 2013-2017.
Tiến sĩ Lê Xuân Huy, cán bộ VNSC cho biết, tại Nhật Bản, các kỹ sư tài năng của Việt Nam ở mỗi trường đại học sẽ thực hiện chế tạo từng khâu trong quá trình phát triển vệ tinh. Nhiệm vụ chính của Việt Nam là thiết kế toàn bộ vệ tinh từ nhiệm vụ đến yêu cầu cho các hệ thống trong vệ tinh.
Các thiết kế này sau đó được chuyên gia, thầy giáo Nhật Bản hỗ trợ đặt hàng thuê các công ty tại quốc gia này thực hiện. Tiếp đó, các thiết bị sẽ được kỹ sư Việt Nam lắp ráp, thử nghiệm thành sản phẩm vệ tinh.
Hoàn thành vào cuối năm 2017, song MicroDragon phải trải qua một quá trình kiểm tra gắt gao của Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Đến tháng 9/2017, toàn bộ vệ tinh đã được lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm đúng yêu của JAXA và sẵn sàng phóng. Sau đó vệ tinh được lưu trữ và bảo dưỡng định kỳ tại phòng sạch của Đại học Tokyo.
Hiện vệ tinh MicroDragon đã được chuyển cho Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để chờ phóng.
Theo VNSC, ý nghĩa lớn nhất của việc chế tạo thành công MicroDragon nằm ở mục đích đào tạo, thể hiện người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được vệ tinh. Rõ ràng, kết quả của MicroDragon có tốt thì phía Nhật Bản mới quyết định đưa vệ tinh của Việt Nam vào vũ trụ.
Cấu tạo của vệ tinh MicroDragon
Hệ thống vệ tinh MicroDragon được chia thành hai phần chính là phần thực hiện nhiệm vụ (payload), và phần bus bao gồm các phân hệ cấu trúc, nhiệt, điều khiển tư thế, nguồn điện, hệ thống xử lý lệnh, dữ liệu và hệ thống truyền thông.
Trong đó, phần thực hiện nhiệm vụ bao gồm: một bộ xử lý phụ (SHU) dành riêng cho khối thực hiện nhiệm vụ chính gồm 3 máy ảnh quang học phân cực - Triple Polarization Imager (TPI), và 2 máy ảnh quang học đa phổ - Spaceborne Multispectral Imager (SMI).
Bên cạnh đó còn có một nhiệm vụ phụ về hệ thống lưu trữ và truyền tải dữ liệu để thu thập dữ liệu về chất lượng nước từ cảm biến ở dưới mặt đất; hai nhiệm vụ phụ khác để nghiên cứu về vật liệu trong không gian là ATOCSC (Antimony Tin Oxide Coating Solar Cell), và AOS (Atomic Oxygen Sample).
Phần bus của vệ tinh bao gồm: máy tính trung tâm (OBC) dùng để điều hành xử lý dữ liệu giữa các phân hệ trong với nhau đồng thời trao đổi thông tin với trạm điều hành dưới mặt đất; khối nguồn của vệ tinh gồm các tấm năng lượng mặt trời (SAP), pin sạc, thiết bị điều khiển và phân phối nguồn điện (PCU, BPDU) dung để duy trì và đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho các thiết bị trong quá trình hoạt động trên vệ tinh.
Phần này còn gỗm khối điều khiển tư thế của vệ tinh bao gồm các cảm biến (cảm biến mặt trời, từ trường, cảm biến sao, GPS…) và các thiết bị truyền động (bánh xe động lượng, thanh từ lực) dung để điều khiển tư thế vệ tinh theo như yêu cầu của trạm điều hành dưới mặt đất; khối truyền thông của vệ tinh có thể truyền nhận lệnh và dữ liệu với mặt đất qua 2 dải băng tần S-band và X-band (thông qua bộ thu phát STRX và XTX).
Khối điều khiển nhiệt độ cần phải đảm bảo điều kiện hoạt động an toàn cho các thiết bị bên trong khi vệ tinh hoạt động trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt. Khối điều khiển nhiệt đô bao gồm hệ cảm biến nhiệt và các bộ điều khiển nhiệt chủ động bằng thiết bị sưởi nhằm nâng cao nhiệt độ vệ tinh khi cần thiết.
Nhiệm vụ của vệ tinh
MicroDragon là vệ tinh quan sát Trái Đất, có trọng lượng 50kg, kích thước 50x50x 50cm. MicroDragon có nhiệm vụ chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.
Để làm được điều này, vệ tinh MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 2 dải phổ, ánh sáng khả kiến (bước sóng từ 412 nm đến 740 nm) và cận hồng ngoại (bước sóng từ 730 nm đến 1026 nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 511km.
Ảnh vệ tinh MicroDragon là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.
Vệ tinh MicroDragon là một sản phẩm nằm trong Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản, bộ phận của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất” (viết tắt là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam).
Dự án sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, điều phối bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, Hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 01 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”.
Bình luận