Với mong muốn trẻ em được vui trung thu với những chiếc lồng đèn, cổng trại, đèn kéo quân, ông sao… mang tính giáo dục cao. Đồng thời, tạo nên khoảng cách gần gũi giữa đất liền và hải đảo xa xôi. Những ngày qua, người dân tại các thôn, xóm ở xã Đông Thọ đã sáng tạo ra những mô hình về chủ đề biển đảo để các em có thể thấy hình ảnh lãnh thổ quốc gia thật gần gũi, linh thiêng.
Ông Nguyễn Cao Luyện, Chủ tịch xã Đông Thọ cho hay, hai năm nay hình ảnh biển đảo quê hương được các cơ sở thôn ở đây thiết kế làm mô hình phong phú, đa dạng. Cán bộ xã luôn đồng hành cùng người dân để sáng tạo ra những mô hình độc đáo, có tư tưởng đẹp, tính giáo dục cao.
“Biển Đông là vấn đề đang được các tầng lớp xã hội đặc biệt quan tâm nên khi đưa hình ảnh biển đảo vào trong dịp Tết trung thu nhằm tuyên truyền, giáo dục thiếu niên lòng yêu nước chúng tôi xác định rõ, phát triển kinh tế phải đi đôi với xây dựng tinh thần. Văn hóa là nền tảng, do vậy để đưa được tinh thần vào trong đời sống nhân dân qua các dịp lễ hội thì cán bộ phải là nòng cốt của các phong trào…” – ông Luyện chia sẻ thêm.
Chỉnh lại độ nghiêng của chiếc tên lửa uy lực, ông Phạm Văn Thăng, một cựu chiến binh ở thôn Lam Sơn quay sang thổ lộ với chúng tôi: “Mong rằng với những hình ảnh như thế này, hy vọng sẽ mang lại những điều thiêng liêng trong tâm trí trẻ thơ. Thông qua đây, phần nào giáo dục các em về truyền thống yêu nước, giữ nước của ông cha từ bao ngàn đời nay…”
Tại các trại, những ca khúc, hình ảnh về Biển Đông như: “Nơi ấy Trường Sa, Nơi đảo xa”, Gần lắm Trường sa…” được các chi đội liên tục phát mang lại cho mỗi người thông điệp vô cùng ý nghĩa về niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, đặc biệt là tình yêu biển đảo quê hương.
Thông qua những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại các gian trại trong các thôn ở đây cũng gợi cho các em thiếu nhi dù chưa một lần đặt chân đến quần đảo ấy, chưa biết thế nào là cây san hô, là cây phong ba nhưng các em biết ở phía biển ấy có các anh bộ đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương. Và đất liền yêu thương luôn hướng trái tim về biển đảo, phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
Là người trưởng ban làm chiếc đèn kéo quân được đánh giá là lớn nhất tỉnh Thái Bình (cao 3.2m; rộng 1.45m; trọng lương: 40kg), ông Vũ Trọng Thục ở thôn Lê Hồng Phong tâm sự: “Việc đưa những hình ảnh biển đảo lồng vào chiếc đèn lung linh trong đêm rằm trung thu này của chúng tôi cũng là một cách giáo dục trẻ thơ về tình yêu quê hương đất nước…”
Được biết, hằng năm cứ mỗi dịp trung thu, chính quyền địa phương và người dân ở đây lại có một chủ đề khác nhau. Qua đó, những sắc màu văn hoá dân gian như: đánh vật, kéo co, bơi trải, múa lân, bày mâm ngũ quả, bịt mắt bắt dê… được gìn giữ không bị phai nhạt.
Ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch xã - Trưởng Ban tổ chức Tết trung thu xã Đông Thọ cho biết, để trẻ em hiểu hiết thật ý nghĩa về cái Tết cổ truyền, trong những ngày gần đây, tại nhiều thôn trong xã còn tổ chức dạy các em làm các sản phẩm thủ công truyền thống, kể chuyện dân gian, các tích trò chơi…
Vui Tết trung thu ở xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình là cơ hội tốt để các em nhỏ cùng nhau tìm hiểu những nét văn hoá cổ truyền của dân tộc, cũng như cùng nhau vui chơi khám phá về văn hoá miền biển đảo. Hoạt động này, nhằm bổ sung sự hiểu biết về lịch sử, cội nguồn dân tộc. Thông qua đó cũng là để bồi đắp tình cảm trân trọng đối với nét đẹp văn hoá, góp phần vun đắp tình yêu quê hương đất nước và ý thức bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Một số hình ảnh đón Tết trung thu với mô hình độc đáo về biển đảo quê hương:
Video: Người giữ hồn cho bánh trung thu giữa lòng Hà Nội
Bình luận