Từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch hàng năm, các làng biển ở tỉnh Phú Yên lại rộn ràng với lễ hội cầu ngư. Lễ hội có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân, được thể hiện qua các nghi lễ đặc sắc và loại hình diễn xướng dân gian phong phú.
Theo ngư dân, lễ hội xuất phát từ cuộc sống lênh đênh sóng gió, luôn phải đối chọi với bão tố, phong ba bằng những phương tiện thô sơ thiếu thốn, người dân vùng biển đành phải tin vào cõi thần linh. Hằng năm, họ tổ chức lễ cầu ngư, cúng "Ông Nam Hải" hay cá voi để cầu xin cho trời yên bể lặng, tàu thuyền ra khơi vào lộng được nhiều tôm cá.
Lễ hội cầu ngư gồm có hai phần chính đó là phần lễ và phần hội, được tổ chức từ 3 - 5 ngày.
Phần lễ được diễn ra một cách trang nghiêm với những nghi thức tế lễ như: Lễ rước Sắc; Lễ rước (thỉnh) Bà Thiên Y A Na, rước Thành Hoàng bổn cảnh, rước âm hồn, cô hồn; Lễ Nghinh Ông Nam Hải; Chèo hầu bả trạo; Lễ thỉnh Sanh; Lễ tế Thần Nam Hải; Lễ khai tiên.
Phần hội được diễn ra một cách sinh động qua các loại hình diễn xướng dẫn gian. Tùy điều kiện của mỗi địa phương mà có một hình thức tổ chức lễ hội riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... và đặc biệt là các loại hình nghệ thuật được lồng ghép rất đặc sắc: múa siêu, hát tuồng, bài chòi và hát bả trạo.
Dọc các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên hiện còn 41 Lăng Ông. Nơi nào có Lăng Ông thì nơi đó đều tổ chức lễ hội cầu ngư hàng năm. Lăng Ông mang dáng dấp của một ngôi đình, thường được xây gần sông, biển và quay về hướng đông.
Sắc màu của lễ hội cuốn hút nhiều người dân làng biển.
Ông Hồ Luận - ngư dân ở làng biển Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết, cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm, ngư dân ngoài biển tập trung về lăng Đông Tác. "Mỗi nhà đi biển thì đóng tiền vào để làm lễ hội, ai có ít thì đóng ít, có nhiều thì đóng nhiều. Ai cũng cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm dong buồm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp ‘lộc trời’" - ông Luận nói.
Chính vì những nét độc đáo đó, tháng 11/2016, Lễ hội cầu ngư Phú Yên đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bình luận