Chuyện về những 'hòn vọng phu' làng biển

Thời sựChủ Nhật, 05/02/2012 12:55:00 +07:00

(VTC News) - Hơn 26 năm sau khi ngày chồng con mất tích, 10 người phụ nữ ở làng biển vẫn không thể nguôi ngoai và hy vọng một điều thần kỳ sẽ xảy ra.

(VTC News) - Hơn 26 năm sau khi ngày chồng con mất tích, 10 người phụ nữ ở làng biển vẫn không thể nguôi ngoai và hy vọng một điều thần kỳ sẽ xảy ra.

Những “hòn vọng phu” ở làng biển
Làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng là nơi sinh ra những con người đã dám cảm tử hy sinh khi Tổ quốc cần. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rất nhiều thanh niên trai tráng từ làng tham gia trong những đoàn tàu không số vượt mưa bom, bão đạn vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, chiến đấu để giành độc lập cho tổ quốc.

Làng biển này cũng gánh chịu một nỗi đau mà 26 năm đã trôi qua nhưng không thể nguôi ngoai khi 10 chàng trai trong làng cùng đi trên một chuyến tàu làm nhiệm vụ nhưng không thể trở về.
Cũng như những làng biển khác, nguồn sống của mỗi gia đình đều do những người đàn ông bám biển. Vì vậy 10 người phụ nữ này đã gánh chịu biết bao khó khăn trong cuộc sống khi chồng con của họ sống vì biển và không về cũng vì biển.
Đã 26 năm sau khi chồng mất tích nhưng không ai trong 9 người vợ (vì chỉ có thuyền viên Hồ Văn Hiên là chưa cưới vợ) đi bước nữa, họ vẫn thủy chung, ở vậy nuôi con và ngóng đợi chồng trong vô vọng.
Bà Hà tâm sự trong nước mắt khi nhắc về chồng cùng những thủy thủ xấu số trên chuyến tàu định mệnh 

Bà Trương Thị Hà (vợ thuyền viên Trần Đình Hiệp) tâm sự trong nước mắt, ngày ông mất tích bà mới sinh con chưa đầy 2 tháng tuổi, bà như chết lặng khi nghe hung tin, đứa con sau đó lại bị mắc dịch sốt bại liệt nên cháu đã bị di chứng suốt đời. Đến nay đã 26 năm trôi qua, cũng như Ư, bà Cơ, bà Liên, bà Dung... – là những người phụ nữ đồng cảnh, bà ở vậy ngóng chồng và bươn chải nuôi con. 
Ông Nguyễn Ngọc Kiêm- nguyên chủ nhiệm HTX vận tải Cảnh Dương và những hồi ức về chuyến tàu VTB - 04 
Định mệnh một chuyến tàu

Ông Nguyễn Ngọc Kiêm -  nguyên Chủ nhiệm HTX vận tải Cảnh Dương cho biết: HTX được thành lập vào năm 1973 với 10 chiếc thuyền và 120 xã viên theo yêu cầu nhiệm vụ của thời chiến. Mỗi thuyền có trọng tải khoảng 70 tấn, có nhiệm vụ chuyên vận chuyển những mặt hàng thiết yếu phục vụ kháng chiến giải phóng miền Nam và công cuộc kiến thiết nước nhà sau ngày thống nhất.

Cuối tháng 5/1985, Ban chủ nhiệm HTX đã nhận được kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải Bình Trị Thiên yêu cầu điều động thuyền vào tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi) để vận chuyển muối ra Đồng Hới để chi viện cho nước bạn Lào. 
Sau đó, Ban chủ nhiệm HTX đã điều động thuyền VTB - 04 do ông Dương Văn Lặc làm thuyền trưởng cùng với 9 thuyền viên lên đường vào Nam nhận hàng. 
Đến khi thuyền VTB - 04 vào nhận hàng trở về, khi ra đến địa phận vùng biển Quảng Trị thì gặp gió bão và mất liên lạc từ đó. 
Ban chủ nhiệm HTX đã huy động lực lượng, báo cáo lên cấp trên và Sở Giao thông- Vận tải Bình Trị Thiên nhằm cứu hộ nhưng bất thành. 
Sau đó, thuyền VTB - 04 được xác định đã bị chìm ở độ sâu 18m tại vùng biển phía đông Cửa Việt, không tìm thấy thi thể của 10 thủy thủ đi trên tàu.
“Vọng phu” ước nguyện

Sau khi 10 thuyền viên gặp nạn và mất tích, những người mẹ, người vợ của các thuyền viên xấu số vẫn không ngừng tất tả ngược xuôi tìm kiếm.

HTX vận tải Cảnh Dương đã có chính sách bảo đảm chế độ cho gia đình và cam kết hỗ trợ nuôi con của họ đến năm 17 tuổi. Nhưng đến năm 1988, HTX đã giải thể nên những chế độ liên quan cũng đã không còn.
Đến nay, có một điều mà những người thân còn sống của các thủy thủ trên tàu VTB -04 xấu số vẫn băn khoăn, đó là họ mất tích trong khi làm nhiệm vụ nhưng đến bây giờ vẫn chưa được công nhận một danh hiệu hay được hưởng một chế độ gì. 
Bà Trương Thị Hà (vợ thuyền viên Trần Đình Hiệp) tâm sự trong nước mắt: “Chúng tôi không đòi hỏi đền bù gì, chỉ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, công nhận người thân chúng tôi đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, để cho người thân chúng tôi một danh phận mà thôi”. 
Tâm Huyền


Bình luận
vtcnews.vn