Na Ngoi là xã biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), với hơn 90% dân số là đồng bào người Mông. Do cuộc sống còn khó khăn, phải lo cái ăn, cái mặc nên trước đây một số người dân không được đi học đầy đủ.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2024, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Na Ngoi 2 mở lớp xóa mù chữ ở bản Huồi Xài và bản Pù Quặc 2 thuộc xã Na Ngoi. Ngày khai giảng, lớp học có 12 học viên nhưng đa phần là những người chưa biết chữ, có người từng học nhưng… đã quên.
Vợ chồng cùng đến lớp “tìm con chữ”
Trong màn đêm tĩnh mịch, giữa núi rừng biên cương xứ Nghệ lại vang lên tiếng đánh vần ngọng nghịu của các bà, các mẹ. Tham gia lớp học, có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên mới biết đến mặt chữ. Họ đều mong được biết đọc, biết viết, biết tính toán. Tuy trên khuôn mặt còn ngượng nghịu, đôi tay vụng về, nét chữ nguệch ngoạc, hằn những vất vả của cuộc sống mưu sinh nhưng ai nấy đều hăng say học tập.
Nhiều cặp vợ chồng người Mông ở Na Ngoi cùng nhau đến lớp học xóa mù chữ.
Ở cái tuổi đã lên chức ông bà, vợ chồng bà Xồng Y Xồng (sinh năm 1966, trú tại bản Huồi Xài) không quản ngại nhà xa, đều đặn ngày ngày tới lớp học. Bà Xồng không nghĩ đôi bàn tay chai sần, chỉ quen cầm cuốc, cầm rựa nay lại có cơ hội cầm bút viết từng nét chữ. Vừa viết, bà vừa nhẩm đọc để nhớ các mặt chữ.
Bà Xồng cho biết, vào ban ngày vợ chồng bà thay phiên nhau người lên rẫy, người ở nhà trông cháu nội cho vợ chồng cậu con trai đang làm thuê ở miền Nam. Buổi tối, ông bà đội đèn pin, dắt cháu lên điểm trường Huồi Xài để “tìm con chữ”. “Nhiều bữa đi làm về mệt quá không muốn đi học nữa. Nhưng thầy cô gọi điện động viên cố gắng học, biết chữ rồi mình mới tự làm được mọi việc, không cần nhờ ai nữa”, bà Xồng tâm sự.
Lớp học xóa mù chữ ở bản Huồi Xài, xã Na Ngoi.
Tương tự gia đình bà Xồng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con, trường ở xa nên cho tới khi lên chức ông ngoại, anh Xồng Bá Lầu mới được đi học. Bao năm mong muốn thoát khỏi cảnh mù chữ giống như nhiều người, nhưng vì những lo toan của cuộc sống nên ước muốn của anh cứ thế trôi đi. Được cán bộ và các thầy, cô giáo tuyên truyền, đầu tháng 2/2024 khi lớp học xóa mù chữ được mở tại bản, anh Lầu đã đăng ký theo học.
Trước đây cứ chiều về, anh Lầu thường tụ tập anh em trong bản uống rượu say khướt, từ ngày có lớp học xóa mù chữ, tối tối anh say sưa cầm sách tới lớp để có được con chữ, cái số để thỏa mong ước bấy lâu và cũng là để không còn lạc hậu nữa. Trong những giờ lên lớp của anh luôn có sự đồng hành, sát cánh, động viên của người vợ. “Bây giờ có cháu rồi. Cháu hỏi, ông bà mà không biết chữ, thấy ngượng lắm”, anh Lầu tâm sự.
Thầy giáo tận tình dạy các chị, em học chữ.
Là giáo viên đứng lớp đặc biệt từ những ngày đầu, thầy Đặng Đình Châu cho biết, các học viên trong lớp phần nhiều là những cặp vợ chồng đã 35 - 40 tuổi nhưng mỗi khi đến lớp, các anh, chị học rất chăm chú, tiếp thu bài nhanh, mỗi buổi học được 2 - 3 chữ cái. Tuy nhiên, cũng có học viên phải vài ngày mới viết thạo một chữ. Thế nên, tùy vào khả năng tiếp thu của mỗi người, thầy Châu sẽ có cách kèm riêng.
Mỗi khi cả lớp phát âm chưa đúng, thầy Châu lại nhẹ nhàng hướng dẫn để học viên nói tròn vành, rõ chữ. Với những học viên ở tuổi trung niên, giáo viên phải luôn ân cần, kiên trì hướng dẫn, khích lệ để họ không cảm thấy xấu hổ, tự ti mà bỏ học giữa chừng.
“Trước hết, mình phải dạy cho họ biết đọc, rồi mới bắt đầu tập viết. Khi đã thành thạo thì bắt đầu học tính toán. Đến nay, học viên đã biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản”, thầy Châu chia sẻ.
Con chữ “thắp sáng” vùng biên ải
Cách đó không xa, lớp xóa mù chữ ở bản Pù Quặc 2, xã Na Ngoi có 11 học viên nữ. Các bà, các mẹ đều là lao động chính của gia đình, nên việc kêu gọi, duy trì sĩ số rất khó khăn.
Cô giáo Đặng Thị Thanh, giáo viên đứng lớp xóa mù chữ cho biết, phần lớn các mẹ, các bà trong lớp đã lớn tuổi nên phải có phương pháp dạy giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ.
“Những ngày đầu mở lớp xóa mù chữ, mình phải sử dụng “song ngữ” tiếng Việt và tiếng Mông để giảng dạy vì nhiều học viên không hiểu tiếng Việt. Khi các mẹ đã biết tính toán cơ bản, các thầy, cô sẽ dạy thêm cho họ cách cộng trừ, nhân chia trên điện thoại để thuận tiện hơn khi muốn bán nông sản số lượng lớn”, cô Thanh bộc bạch.
Do gia cảnh nghèo khó và người Mông quan niệm phụ nữ không cần phải học chữ nên chị Xồng Y Xìa (sinh năm 1984, trú ở bản Pù Quặc 2) chỉ học đến lớp 2 rồi giúp cha mẹ làm rẫy.
Những học viên tham gia lớp học xóa mù chữ với hy vọng "thắp sáng" cuộc đời nơi bản nghèo.
Mọi thứ thay đổi nhanh chóng khi chị Xìa tham gia học và tốt nghiệp lớp xóa mù chữ. Thế rồi, có con chữ, cuộc sống của chị Xìa cùng các chị em trong bản dần dần đổi thay. Từ người không biết tính toán, chị Xìa đã trở thành “tay buôn” có tiếng của bản.
Chị Xìa chia sẻ: Mỗi ngày học hỏi một ít, khi quen mặt chữ và có chiếc điện thoại thông minh, chị tìm hiểu giá cả các mặt hàng, liên hệ với thương lái thương lượng để bán gừng của gia đình trồng được với giá cao hơn. Từ đó, chị kết nối với các thương lái, bắt đầu đi thu mua lúa, gừng, măng… của dân bản để bán lại cho thương lái miền xuôi. Thu nhập của gia đình vì thế cũng ngày một khấm khá lên.
Thầy giáo Nguyễn Xuân An - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Na Ngoi 2, cho biết, tỉ lệ phụ nữ trung niên mù chữ ở trong xã vẫn còn cao. Do vậy, trường đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho bà con người Mông trên địa bàn. Nhưng vì lớn tuổi, nên phần lớn đều e dè, xấu hổ khi được vận động đi học xóa mù chữ.
Bình luận