Xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, chỉ có 20% người dân sản xuất nông nghiệp, số còn lại tham gia vào dịch vụ, buôn bán.
Yên Trường cũng nổi tiếng với tục ăn thịt chó “đồng loạt” vào ngày mùng 4 Tết hàng năm, đây là tục lệ lâu đời, đã duy trì qua nhiều thế hệ người dân trong thôn.
Theo nhiều người dân thôn Yên Trường, cứ mùng 4 Tết cả thôn như ngày hội, các thương lái thịt chó tấp nập giao thịt từ sáng sớm. Lúc này nhiều nhà dân trong thôn cũng đã dậy để chuẩn bị đồ gia giảm, đồ dùng chế biến, cả thôn rộn rã tiếng băm chặt, mùi thơm từ sáng cho tới trưa.
Theo tục lệ để lại, buổi sáng ngày mùng 4 Tết, đàn ông ai nấy đều chuẩn bị cuốc, xẻng ra đồng tảo mộ, thắp hương người đã khuất, phụ nữ ở nhà chuẩn bị nấu nướng, chế biến các món ăn từ thịt chó.
Theo ông Ngô Bá Thông (trưởng họ Ngô – dòng họ lớn nhất nhì làng Yên Trường), thịt chó chủ yếu được chế biến thành 4 món: luộc, giềng mẻ, canh măng và dăm hành. Địa điểm chế biến, nấu nướng tại nhà trưởng họ, đây là thời gian để cả họ gặp gỡ, chia sẻ chuyện buồn vui năm cũ và đơn giản hơn là đổi khẩu vị sau những ngày Tết đã “thịt mỡ, dưa hành”.
Ông Nguyễn Gia Tứ - Trưởng thôn Yên Trường cho biết, cả thôn có khoảng 1.500 hộ dân, gồm 3 làng gộp lại, nếu tính sơ sơ ngày mùng 4 Tết cả thôn sẽ tiêu thụ hết khoảng 4 tấn thịt chó móc hàm. Có năm thịt chó bị “cháy hàng” không đủ cung cấp, nhiều nhà phải đi các xã lân cận để mua.
Nếu làm phép tính, thịt chó hôm mùng 4 Tết có giá khoảng 130.000– 150.000 đồng/kg thịt, thì cả thôn sẽ bỏ ra hơn nửa tỷ đồng để mua thịt, chưa tính tiền phụ gia như giềng mẻ, mắm tôm và các loại rau.
Trung bình mỗi con chó có có trọng lượng 10kg/con thì ngày hôm đó có khoảng 400 con chó bị giết thịt, hàng chục lít rượu được uống hết.
Đó còn chưa kể một số nhà còn làm thêm món giò chó, lượng thịt sẽ nhiều hơn gấp đôi gấp ba, theo người dân trong thôn mỗi 1 kg giò chó thành phẩm nếu bán ra thị trường có giá hơn 1 triệu đồng
Theo ông Tứ, dịp này ngoài anh em, họ mạc, còn là cơ hội cho những người trong thôn hiện đang sinh sống ở nước ngoài ít có thời gian về thăm quê được gặp gỡ nhau.
“Nếu ai có dịp ghé chơi thôn Yên Trường vào ngày này, đi bất cứ nhà ai cũng được mọi người vui vẻ mời chén rượu đầu xuân, mời món thịt chó. Quan trọng họ có dám ăn hay không, vì đa số họ vẫn còn kiêng ăn thịt chó đầu năm”, ông Tứ cho biết thêm.
Về văn hóa làng Yên Trường theo ông Tứ, ở thôn vẫn duy trì được truyền thống họ mạc, giữ gìn được nhiều bản sắc văn hóa, giữ được giá trị tốt đẹp của văn hóa làng xã. Hàng năm các dòng họ trong thôn vẫn tổ chức giỗ họ, ngoài ra các họ cũng có quỹ để chi cho khuyến học, phát triển kinh tế hộ gia đình và chi cho ma chay, cưới xin trong họ.
“Nhìn chung, các họ trong thôn đều giữ được nền nếp, có kinh tế phát triển, đảm bảo được những giá trị văn hóa gia đình, làng xóm, họ mạc”, ông Tứ tự hào nói.
Cũng theo ông Tứ, tới thời điểm hiện tại, cả 3 làng đều nhận được chứng nhận làng văn hóa, cả thôn có tới 85% gia đình đạt gia đình văn hóa. Trong thôn cũng có rất nhiều người cao tuổi, cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Đình Trung (SN 1910, năm nay đã 108 tuổi), còn lại các cụ có độ tuổi từ 80 trở lên, khoảng 200 cụ.
Bình luận