Trong số 17 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, Nguyễn Xuân Thông (cựu cán bộ công an) bị truy tố về tội Che giấu tội phạm.
Tại phiên tòa ngày 24/12, HĐXX yêu cầu bị cáo Thông kể lại hành vi phạm tội, trong đó có việc "tư vấn" cho nhóm giám đốc doanh nghiệp khai báo với cơ quan điều tra.
Bị cáo Thông khai quen biết với Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hoà, bị can giai đoạn 1 vụ án). Ngày 28/7/2022, Trần Minh Tuấn cùng Phạm Bá Sơn (bị cáo giai đoạn 1) hẹn gặp Thông tại một nhà hàng.
"Lúc đầu bị cáo không nhớ có cuộc gặp tại quán này, nhưng sau khi được cán bộ điều tra nhắc lại và kiểm tra lại các tin nhắn điện thoại bị cáo mới nhớ", bị cáo Thông khai.
Tiếp đó, cựu cán bộ công an trình bày, tại bữa ăn "các bên bàn ra tán vào" thì Thông tình cờ được Tuấn nói về việc nhận hơn 10 tỷ đồng của một người phụ nữ tên Hằng. Sau đó, bị cáo khuyên Tuấn nên trả lại.
Trước câu trả lời trên, HĐXX nhắc nhở Thông khai báo thành khẩn, đúng sự thật khách quan vì Thông nắm rõ sự việc và các bên hẹn ra nhà hàng để được Thông tư vấn chứ không có chuyện "vô tình được nghe". Tại bữa ăn, bị cáo còn tư vấn cho nhóm đối tượng về việc khai báo đối phó với cơ quan công an.
"Bị cáo nói với Tuấn, Sơn rằng khi làm việc với cơ quan công an khai đã trả lại tiền, cái gì rõ ràng thì khai, không rõ thì nói không nhớ, về bàn bạc lại và khai sau. Bị cáo còn tác động cán bộ điều tra lùi lịch hẹn cho các đối tượng,…", HĐXX nói.
Trước chất vấn của HĐXX, bị cáo Thông thừa nhận đúng như cáo trạng quy kết. "Bị cáo từng là cán bộ công an được đào tạo bài bản, nhưng vì câu chuyện anh em nên giờ bị cáo mất hết", Thông bày tỏ ân hận.
Theo cáo trạng, Thông quen thân với Trần Minh Tuấn từ năm 2009. Do mối thân tình nên 2 người thường gặp gỡ và thực hiện nhiều công việc chung. Tháng 6/2021, Thông được Tuấn trao đổi về việc đang tổ chức chuyến bay đưa người lao động về nước tránh dịch COVID-19. Tuấn nói có mối quan hệ và nhờ được 4 Bộ trong Tổ công tác 5 Bộ giúp đỡ, còn Bộ Công an thì nhờ Thông kết nối.
Theo đề nghị, Thông nhờ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) kiểm tra, sớm ban hành văn bản đồng ý cho Công ty Xây dựng và quản lý nguồn nhân lực Quang Trung (Công ty Quang Trung) được tổ chức, thực hiện chuyến bay. Sau khi có văn bản đồng ý, Công ty Quang Trung đã tổ chức đưa người lao động từ Đài Loan về Hải Dương cách ly.
Từ ngày 19/7/2021 đến ngày 29/9/2021, Tuấn nhiều lần gửi cho Thông ảnh chụp các văn bản về chủ trương, kế hoạch tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước. Tuấn tiếp tục đề nghị Thông tiếp tục can thiệp, tác động đến Cục để giải quyết thủ tục xin cấp phép tổ chức chuyến bay cho Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện bầu trời Hà Nội, Công ty TNHH Du lịch Quốc tế.
Thông đồng ý và nhiều lần liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhưng không giải quyết được. Thông trao đổi lại thì Tuấn tiếp tục đề nghị Thông sang tháng 11/2021 sẽ tiếp tục nhờ Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, sau đó giữa Tuấn và Phạm Bích Hằng (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Vinamichi, bị can giai đoạn 1 vụ án) có mâu thuẫn nên không tiếp tục thực hiện các chuyến bay. Đến tháng 6/2022, khi biết bị điều tra do có liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu, Tuấn đã liên hệ, trao đổi với Thông để tìm cách giúp đỡ.
Ngày 19/7/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an có giấy triệu tập Tuấn đến làm việc. Ngay trong đêm, Thông gặp Tuấn tại Hà Nội, đồng thời gọi điện đến Cơ quan An ninh điều tra giới thiệu bản thân công tác tại Cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, đề nghị cho Tuấn được lùi thời gian làm việc.
Tại bữa ăn trên, Thông tư vấn cho nhóm Tuấn, Sơn cách đối phó với cơ quan công an. Thậm chí sau đó, Trần Minh Tuấn bỏ trốn khỏi nơi cư trú, dẫn đến việc Cơ quan An ninh điều tra không thi hành được các thủ tục tố tụng.
Đến khi lực lượng chức năng của Bộ Công an phát hiện và bắt giữ được Tuấn vào ngày 25/11/2022, khi đang trong quá trình lẩn trốn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế thì quá trình bị tạm giam Tuấn vẫn tiếp tục khai báo gian dối như đã được hướng dẫn, gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra.
Trước đó, kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án (giai đoạn 1) đã tuyên phạt 18 năm tù với Trần Minh Tuấn về tội Đưa hối lộ với số tiền 730 triệu đồng và 3.000 USD cho một số cán bộ tại UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 5,7 tỷ đồng của Phạm Bích Hằng.
Bình luận