Vẻ ngoài bụi phủi. Trang phục hầm hố. Khói thuốc vờn quanh – bật lửa Malboro tanh tách – mũ lưỡi trai – tóc buộc túm … những vật bất ly thân gắn chặt với một thương hiệu Doãn Hoàng Giang. Vốn xuất thân từ một diễn viên, ông đạo diễn nổi tiếng này chưa bao giờ chạm tới ngưỡng … đẹp trai. Nhưng vẻ ngoài xù xì, gai góc cùng hình ảnh "bất di bất dịch" đầy cá tính luôn giúp ông nổi bật và tỏa sáng – dù giữa đám đông cả ngàn người na ná một màu xung quanh. Ngày 8 tháng 3 năm nay, chọn một người đàn ông tràn trề nam tính, dù đã ngoại thất tuần để nói về sự biến thiên của vẻ đẹp người phụ nữ xưa và nay (qua những ngã rẽ, khúc quanh bất định của dòng chảy thời gian) làm khách mời – theo tôi nghĩ - là một phương án khôn ngoan. Và những gì thu nhặt được, sau mấy tiếng đồng hồ "vặn vẹo" ông đã chứng minh điều đó.
Đi qua cả những ngày gian khó cũng như khi đất nước đã khởi sắc đi lên, song hành cùng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cả chiến tranh lẫn thời bình, từ thời bao cấp khốn khó đến những năm tăng trưởng hội nhập, ông thấy quan niệm về phái đẹp xưa và nay thay đổi ra sao?
Nói một cách sách vở thì thời đại đổi thay sẽ kéo theo con người và cả quan niệm cũng phải thay đổi. Ngày trước, dư luận thường dành cái nhìn thiện cảm cho người nghèo, người có thành phần xuất thân cơ bản và đánh ánh mắt hằn học, tức tối về phía kẻ giàu có, thừa tiền lắm bạc. Để rồi thời thế đổi thay, người giàu được xã hội trọng thị, bởi họ có thể làm ra nhiều của cải vật chất, trước là cho mình, sau là góp phần làm giàu cho xã hội.
Quan niệm về phái đẹp cũng thế thôi. Nếu ngày xưa, cô gái cao lênh khênh, chân dài thường tiềm ẩn nguy cơ ế chồng thì giờ đây, nó trở thành tiêu chuẩn đầu tiên giúp cô tự tin ghi danh vào một cuộc thi nhan sắc. Nếu ngày xưa, vòng một, vòng ba quá khổ là thiếu thẩm mỹ, là không đẹp thì giờ đây ai may mắn sở hữu sẽ có số phần trăm rất lớn trở thành hot girl và được cư dân mạng tung hô rầm rĩ.
Vâng, đồng ý là mọi thứ không bất biến theo thời gian. Nhưng ông có nghĩ, nguyên nhân chủ yếu là do cái nhìn của số đông đã thay đổi?
Một ví dụ nhé, thời các bà các mẹ của tôi, phụ nữ đúng nghĩa phải nói năng nhỏ nhẹ, đi không được đụng quần, cười dịu dàng không thành tiếng. Hình ảnh đó dễ gây tức mắt cho những đại diện phái đẹp của thời hiện đại bây giờ. Không còn "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên", thậm chí nếu trong một gia đình, một cơ quan không thấy cô gái nào cười "xả láng" thì đồng nghĩa người chủ gia đình ấy, người lãnh đạo cơ quan ấy nghiêm khắc, cứng nhắc một cách quá đà.
Trở lại tiếng cười sảng khoái của các cô gái trẻ bây giờ, tôi nghĩ nó xuất phát từ cảm giác thực sự tự do, từ sự tự tin vào chính những gì mình đang sở hữu. Và khi cá nhân đơn lẻ khẳng định cái tôi của mình nghĩa là xã hội đang đi lên, đang phát triển.
Và cô gái trẻ ngoan hiền Nô-ra, sau bao năm chịu giam mình trong căn nhà búp bê đầy bức bối, khi thoát ra khỏi cái lồng hào nhoáng đó chỉ nung nấu một ước mơ… hơi buồn cười là được ra đường chửi tục một câu cho đỡ ức chế. Sự thay đổi, tưởng như quay ngoắt 180 độ ấy trong kịch của H.Ibsen không khiến khán giả thấy "sốc", nếu ta biết nhìn bằng con mắt phóng khoáng, luôn chấp nhận quy luật không gì bất biến trên đời. Tôi nghĩ các cặp phạm trù ngoan-hư, đẹp-xấu, hay-dở trong quan niệm về người phụ nữ, chủ yếu là do góc nhìn của chính chúng ta làm nên.
Cụ thể hơn, với cá nhân ông?
Nếu đem cái nhìn xét nét ngày xưa áp đặt vào một cô gái hiện đại, phóng khoáng, mạnh mẽ của thời nay, bạn sẽ dễ mặc định: đó là cô gái hư. Dù đã là một ông già (cười), ơn Trời, tôi vẫn có nhãn quan khá trẻ. Tôi luôn yêu thích những mẫu hình trẻ trung, đầy sức sống, sức quyến rũ của những năm đầu thế kỷ XXI. Cách họ nói chuyện, đi lại, ăn uống, cách họ phô bày cho cả thiên hạ chiêm ngưỡng vòng eo nhỏ xíu với trang phục quần jeans trễ cạp, áo hở rốn… đều khiến tôi cảm thấy thú vị. Phải tự tin vào bản thân tuyệt đối, họ mới dám thể hiện đến tận cùng cái tôi cá nhân "là một, là riêng, là tất cả" như thế.
Góc nhìn cởi mở sẽ giúp chúng ta đánh giá mọi biến đổi xung quanh một cách điềm đạm và độ lượng hơn. Hãy suy nghĩ theo hướng này, cuộc sống đi lên thì đường sá, phương tiện đi lại giao thông cũng phát triển với tốc độ chóng mặt. Hai cụ đi bộ trong làng, lỡ có va vào nhau cũng chẳng thể chết người. Nhưng máy bay, tàu biển siêu tốc, siêu trọng tải lưu thông thì tai nạn, nếu có, sẽ ngày một khủng khiếp hơn. Chấp nhận cái mới nghĩa là chấp nhận cả cái hay, cái lạ lẫn cái trục trặc và cả những hệ lụy khó tránh đi kèm. Vì vậy, chúng ta phải học cách chấp nhận những cô gái của thời hiện đại, dù thích hay không. Đừng biến thành ông già cổ hủ chỉ biết săm soi lớp trẻ bằng cặp mắt hằn học, thiếu thiện cảm.
Hằn học, thiếu thiện cảm, nghe có vẻ nặng nề quá, thưa ông?
(Cười) Tôi có một nguyên tắc thế này, nếu để đảm nhiệm khâu casting nữ diễn viên cho một vở diễn mới thì tối kỵ cử một người phụ nữ kém nhan sắc hoặc quá lứa nhỡ thì. Lý tưởng nhất là trao quyền đó vào tay một nữ diễn viên nổi tiếng và vô cùng xinh đẹp, bởi góc nhìn của cô ấy sẽ không bị những đố kỵ, ghen ghét, bực bõ vì thấy mình thua kém mọi bề chi phối. Sự lựa chọn cuối cùng, vì thế sẽ khách quan và chính xác hơn.
Có thể hiểu, trong sự đối sánh giữa xưa và nay, thiện cảm của đạo diễn Doãn Hoàng Giang dường như nghiêng hẳn về phía những cô gái hiện đại?
Tôi thích mẫu hình năng động, tự tin của phụ nữ thời hội nhập toàn cầu. Nhưng tôi không phủ định sạch trơn những gì làm nên nét đẹp quyến rũ của những cô gái Việt thuở trước. Và tôi nghĩ, xã hội luôn có sự tiếp thu, kế thừa cũng như quá trình đào thải hợp lý. Cái gì còn được chấp nhận đến ngày nay là hay, cái người ta đã xóa bỏ thì đương nhiên là dở. Như chiếc áo dài dân tộc đã tôn vinh tột đỉnh vẻ đẹp phụ nữ Việt, nhưng chiếc áo dài the – khăn xếp lại biến đàn ông trở nên vừa ngố vừa thộn (cười lớn). Vì thế, cái trước được gìn giữ, cái sau bị loại trừ là hợp quy luật thôi.
Trong cái đẹp "tam tòng, tứ đức" thời xưa, vế đầu chắc chắn phải bỏ nhưng "công, dung, ngôn, hạnh" thì phải giữ chứ, nhưng có điều cả bốn sẽ có sự điều chỉnh cho tiệm cận với cuộc sống hôm nay.
Hình ảnh người phụ nữ hôm nay, như ông nói, "tự tin hơn, luôn muốn khẳng định mình hơn"dường như đang khiến mô hình gia đình truyền thống lung lay. Khi phụ nữ coi trọng sự nghiệp hơn gia đình, khi họ hững hờ với việc cưới chồng và lựa chọn cách trở thành bà mẹ đơn thân – single mom. Khi họ không còn tìm người đàn ông để "núp bóng tùng quân", để làm "trụ cột gia đình?
Người ta không thể xây dựng một mẫu hình gia đình chuẩn và buộc mọi người phụ nữ đều phải đi theo. Và tại sao cứ phải "núp bóng tùng quân" mà không phải "tùng quân núp bóng mình"?
Với một người phụ nữ thành đạt, làm Bộ trưởng rồi vào Ủy viên trung ương, vào Bộ chính trị chẳng hạn, người chồng chẳng thể đòi hỏi chị ấy phải lúi húi trong bếp, cơm dẻo canh ngọt như những bà vợ bình thường. Và đức phu quân ấy phải biết tạo điều kiện tốt nhất cho công việc của vợ mình, phải xác định rằng mình đừng đòi hỏi quá nhiều ở một người mà trọn vẹn tinh hoa đã cống hiến hết cho xã hội. Với gia đình ấy, mẫu hình đó là khả thi nhất.
Vậy có thể hiểu là ông đang dành sự ủng hộ cho những người phụ nữ đặt nặng sự nghiệp lên trên gia đình?
Tôi ủng hộ những người đàn ông biết chia sẻ, cảm thông và chấp nhận hi sinh – nếu cần vì người vợ thân yêu nhất đời. Nhưng nếu nó chỉ đến từ một phía, chỉ cho mà không có nhận, hạnh phúc sẽ không bền. Bởi nói đi thì phải nói lại, người phụ nữ vẫn phải mang gánh nặng thiên chức làm vợ làm mẹ. Và bên cạnh nỗ lực khẳng định tự do, xác lập chỗ đứng trong xã hội, người đàn bà vẫn phải làm trọn những gì ông Trời đã sắp đặt. Mang nặng, đẻ đau, là bếp lửa hồng giúp sưởi ấm đêm đông, là những bữa ăn ngọt lành cho một mái nhà luôn ấm áp. Cũng có người bảo, phái yếu giờ đang đổi chiều làm phái mạnh, mạnh cả nghị lực, ý chí lẫn tinh thần. Tôi thì nghĩ, cho dù họ tiềm ẩn những phẩm chất bên trong mạnh mẽ, thậm chí dữ dội, muôn đời họ vẫn phải là phái yếu – phái đẹp – những bông hoa đem lại vẻ đẹp và hương sắc cho cuộc đời này.
Rẽ ngang qua lĩnh vực sân khấu, nơi ông đã in đậm dấu ấn với rất nhiều vở diễn – trong vai trò đạo diễn lẫn kịch tác gia. Có nhân vật nào là mẫu hình người phụ nữ mà ông yêu?
Có Hà My trong vở kịch đã trở thành hiện tượng sân khấu một thời – Hà My của tôi. Với sự thể hiện của gương mặt mới toanh Minh Trang, vở diễn đã gây sốt nơi quầy vé và dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội từ báo giới. Họ đặt tít "Hà My của ai", họ bảo tôi đang truyền bá cho một tư tưởng bệnh hoạn thông qua nhân vật một cô gái "ngược dòng". Bởi trong cái thời bao cấp khốn khó, khi mọi cô gái đều nhàn nhạt một màu áo phin, quần lụa, Hà My của tôi dám uống bia, hút thuốc, dám thích chàng trai nào là thực hiện cả một chiến dịch nhằm chinh phục cho bằng được. Rồi một cô gái có quá khứ từng làm điếm, giờ được một Phó giám đốc yêu say đắm trong Người của tôi. Rồi nhân vật nữ chính trong Hoa và cỏ dại… Nhìn lại, tôi thấy mô típ nữ mà tôi khắc họa thường có một điểm chung. Ẩn sau bề ngoài cá tính, bụi phủi, thậm chí có phần láo lếu là một tâm hồn, một nhân cách và một khát vọng vươn lên rất đẹp. Thoáng qua tưởng cỏ dại mà nhìn kỹ lại là hoa… Con người nghệ sĩ trong tôi tôn thờ những nhân vật nữ như thế, còn người đàn ông trong tôi mơ ước có một người vợ như thế, lẽ dĩ nhiên là phải sở hữu một số điểm cộng mà tôi vừa liệt kê ở trên nữa mới trở thành một hình mẫu trọn vẹn.
Với góc nhìn hiện đại như thế, tôi đang tự hỏi tại sao chưa thấy NSND Doãn Hoàng Giang trong vai trò giám khảo một cuộc thi sắc đẹp nào nhỉ?
Cũng đã có nhiều lời mời, nhưng tôi luôn phải nói lời từ chối. Lý do ư, chấm thi là phải đứng trước một dàn thí sinh quá đẹp, mà cứ nhìn người đẹp là mắt tôi hoa hết cả lên, chọn lựa đâm ra sai hết cả. Đó là nói vui thôi, chứ vẻ đẹp của những bông hoa phần đa thường "hữu sắc vô hương" ấy không quyến rũ nổi tôi. Giá kể có chút ngập ngừng, bối rối trước một câu hỏi không được chuẩn bị trước trong phần thi ứng xử. Giá có chút đỏ mặt, nhăn trán suy nghĩ trước một tình huống nan giải thì sẽ dễ thuyết phục tôi hơn. Rất tiếc, họ đều liến thoắng, trơn tru theo một đáp án đã được chuẩn bị trước, cho một câu hỏi cũ mèm và thường hay đưa thí sinh vào con đường phải giả dối. Ở vai trò đạo diễn, nếu có quyền và có đủ tiền, tôi sẽ thuê dăm cô từng đội vương miện về làm diễn viên. Khỏi cần thể hiện nội tâm, diễn xuất, chỉ cần thay đổi dăm bộ trang phục bắt mắt, lượn ra lượn vào giúp tôi bán vé mà thôi. Cái đẹp hấp dẫn tôi, vẫn phải "càng bộc lộ càng bí ẩn" cơ.
Hồ Cúc Phương
Bình luận