Không gian cổ kính, kiến trúc độc đáo của nhà cửa, đền chùa từ 1.300 năm trước tạo nên một Phượng Hoàng cổ trấn đẹp đến nao lòng trường tồn cùng thời gian cùng biết bao câu chuyện bí ẩn .
Phượng Hoàng là một thị trấn cổ kính của Trung Quốc, nằm tại huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam. Cổ trấn được xây dựng bên dòng sông Đà Giang từ hơn 1.000 năm trước, là một di tích văn hóa và lịch sử hấp dẫn bậc nhất ở đất nước Vạn Lý Trường Thành.
Trái ngược với sự phát triển không ngừng của Hồ Nam, thị trấn nhỏ này dường như còn “ngái ngủ” sau 1.300 năm. Nhờ đôi mắt tinh tường của người xưa khi chọn nơi an cư lạc nghiệp, mảnh đất này đã trở thành một di sản bất hủ cho thế hệ hôm nay.
Những ngôi nhà cổ áp sát vào núi và soi bóng xuống dòng Đà Giang tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, khiến Phượng Hoàng trở thành địa danh mà ai cũng muốn một lần được đặt chân đến.
Được chính thức xây dựng từ những năm 1700 nhưng đã tồn tại trước đó từ thời Chiến Quốc, trấn Phượng Hoàng thuộc huyện cùng tên là nơi sinh sống chủ yếu của tộc người Miêu, Hán và Thổ Gia.
Tại đây vẫn còn lưu giữ một phần của “Vạn Lý Trường Thành Phương Nam” vốn được nhà Minh xây dựng từ 1554 – 1622 nhằm tránh các đợt tấn công của tộc người Miêu trong giai đoạn căng thẳng với triều đình.
Nguồn gốc tên gọi “Phượng Hoàng cổ trấn” có nhiều dị bản nhưng thông dụng và hợp lý nhất có lẽ là điển tích gắn với một đôi chim phượng hoàng, vốn đã tu luyện ngàn năm bên cạnh Đức Phật.
Vào một ngày nọ, đôi chim chứng kiến vùng đất nơi đây chìm trong hỏa hoạn rất nguy kịch. Xót thương cho người dân và mảnh đất xinh đẹp, đôi chim đã cùng nhau lao vào lửa nguyện hy sinh mạng sống ngàn năm tu luyện để cứu mảnh đất này. Cái tên Phượng Hoàng trấn cũng từ đó mà ra.
Video: Vẻ đẹp phụ nữ Việt biến hóa qua 100 năm gây bão mạng
Bình luận