Sau 3 năm, thị trường game Việt đã có những biến động rõ rệt. Các game nhập vai kiếm hiệp nhiều đến mức bão hòa, esport games dần dần khẳng định được “độ bền” và trào lưu mini webgame bùng nổ như mở một lối thoát thông thoáng cho game Việt.
Cục diện làng game thay đổi, đồng nghĩa với vị thế của các đồng tiền trong game cũng khác đi. Đã đến lúc, các nhà phát hành game tận dụng danh tiếng những đồng tiền của mình đã xây dựng được trong game để mở ra những hướng kinh doanh nhạy bén hơn.
Cuộc đua thanh khoản của các đơn vị trong game bắt đầu từ đây. Bài viết này tạm thời chỉ đề cập đến 3 “ông lớn” nhất trong làng game Việt là Vcoin của VTC, Bạc FPT và ZingXu của VNG.
Người viết sẽ so sánh đề cập đến 3 khía cạnh: độ phổ biến, tiện ích và khả năng tích lũy của khách hàng đối với từng loại tiền.
1. Độ phổ biến
Độ phổ biến của đồng tiền chắc chắn phần lớn dựa vào số khách hàng chơi game sử dụng đồng tiền đó làm đơn vị thanh toán.
Nói đến khía cạnh này, chắc chắn VNG chiếm thế áp đảo khi ZingXu được đổi ra đơn vị thanh toán sử dụng trong 44 game do VNG và một số nhà sản xuất khác phát hành. Với cộng đồng cực lớn, các tựa game hot như Nông trại vui vẻ, Võ lâm, Boom, Gunny…ZingXu đang chiếm thế thượng phong trong cuộc đua về mức độ phổ biến so với hai đối thủ còn lại.
Về mặt này, FPT cũng không kém cạnh là bao với tổng số 28 game đang hoạt động. Tuy nhiên, FPT bất lợi hơn VTC do chưa được quan tâm quảng cáo, các sản phẩm game của FPT cũng chưa đạt được mức độ độc đáo như VTC game. Tuy vậy, FPT lại có tiềm năng lớn về công nghệ, do đó chưa biết chừng, vài ba năm nữa, cục diện này lại có thể thay đổi.
Tạm thời, Xu: 2 điểm, Vcoin: 1 điểm và Bạc O điểm
2. Khả năng thanh toán
Khả năng thanh toán của đồng tiền đó cho các dịch vụ khác ngoài game được gọi là tính “thanh khoản”. Những đơn vị thanh toán càng sử dụng gần gũi được trong cuộc sống thì giá trị của nó càng cao.
Về khoản này, Vcoin lại bật lên chiếm vị trí dẫn đầu. 2đối thủ còn lại: Bạc có thêm chức năng nạp tiền điện thoại, nạp tiền thanh toán dịch vụ cho đối tác; ZingXu chỉ có thêm nạp tiền học trực tuyến hocmai.vn nhưng số lượng không đáng kể.
Trong khi đó Vcoin hiện có hẳn một eShop với hàng loạt dịch vụ thanh toán tiện ích khác nhau: mua mã thẻ điện thoại, nạp tiền trực tiếp (bắn tiền) cho thuê bao trả trước, thanh toán cước điện thoại trả sau, thanh toán cước internet, gia hạn truyền hình số VTC, mới đây nhất là nạp tiền Facebook và sử dụng Vcoin để mua hàng trên website bán hàng hiệu giảm giá ohay.vn.
Hiệp 2: Vcoin 2 điểm, Bạc và ZingXu 0 điểm
3. Khả năng tích lũy
Khả năng tích lũy hay hiểu nôm na là người dùng có thể kiếm các đồng tiền này từ những nguồn nào, cũng là một trong những yếu tố quan trọng để xem xét sức mạnh của đồng tiền đó.
Thứ nhất, về các đầu nạp, ba đối thủ này gần như tương đương nhau. Các đầu nạp chủ yếu gồm có thẻ cào (thẻ Zing, thẻ Vcoin, thẻ Gate), thẻ điện thoại, nạp qua kết nối với ngân hàng (hiện có khoảng hơn 20 ngân hàng đã kết nối với các NPH này), nạp qua SMS và tổng đài điện thoại.
Bỏ qua các đầu nạp, giờ xét xem người dùng có thể kiếm thêm Xu, Vcoin, Bạc từ nguồn nào khác không.
Và xu hướng mới đổ bộ làng game Việt thời gian gần đây chính là câu trả lời: Chơi game – Kiếm tiền – Đôi bên cùng có lợi.
Một lần nữa Vcoin lại được xướng tên đầu bảng khi bắt nhịp xu hướng này khá nhanh nhạy. Có thể nói, VTC là đơn vị tiên phong ở Việt Nam trong phát hành minigame “sinh lời”, mà cụ thể là các game kiếm Vcoin. Hơn một năm trước đây, khi Thập Nhị Tranh Tài ra mắt, game đã tạo được hiệu ứng cực tốt, một “món lạ” cho cộng đồng game thủ Việt.
Hình ảnh đơn giản, cách thức chơi không quá tốn “chất xám”, nhưng người chơi có thể chỉ đầu tư một khoản Vcoin nhỏ và kiếm được số Vcoin lớn hơn rất nhiều, đó chính là mấu chốt ăn khách của TNTT. Thừa thắng xông lên, chỉ trong hơn một năm sau đó, VTC đã phát hành tổng cộng 9 minigame khác với nhiều thể loại khác nhau. Với tốc độ “mì ăn liền” này, chắc chắn VTC còn chưa dừng lại ở đó.
FPT cũng bắt đầu nhận ra xu hướng game mới này khi cho ra mắt minigame “Chiến thú hoàng kim” trong năm 2012. Tuy nhiên, game thủ dễ dàng nhận ra mô-típ của Chiến thú “hao hao” Thập Nhị của đối thủ VTC khi cũng là cuộc đua giữa nhiều con thú với nhau, người chơi dự đoán các vị trí dẫn đầu…nhưng được đầu tư hơn về mặt hình ảnh. Tuy vậy, sản phẩm “copy cat” không mang lại doanh thu cũng như cộng đồng bởi tính thanh khoản của Bạc yếu hơn Vcoin rất nhiều.
Hiệp 3: Vcoin 2 điểm, Bạc: 1 điểm, Zing xu: 0 điểm
Kết quả chung cuộc: Vcoin 5 điểm, ZingXu 2 điểm và Bạc 1 điểm.
Thị trường game vốn là thị trường cạnh tranh khốc liệt, các game ra đời nhan nhản chưa có sự đầu tư kĩ lưỡng và chiến lược dài hạn; trong khi đó độ trung thành của game thủ thấp, đòi hỏi các nhà phát hành luôn phải vận động, thay đổi và tìm tòi ra những xu hướng kinh doanh mới.
Cuộc chiến giữa các NPH game về đồng tiền ảo mang giá trị thật vẫn chưa có hồi kết. Cộng đồng game thủ sẽ là người quyết định yếu tố thành bại trên “mặt trận” không khoan nhượng này.
Nguyễn Ngọc
Bình luận