“Tỏa IV” quy tụ gần 40 tác phẩm nghệ thuật từ hơn 20 nghệ sĩ trong nước và quốc tế với chủ đề “Phương thức đối thoại với thiên nhiên” do hai nhà nghiên cứu nghệ thuật Abhijan Toto và Đỗ Tường Linh đồng giám tuyển.
Với chủ đề “Phương thức đối thoại với thiên nhiên”, Tỏa IV mang sắc thái hoàn toàn mới mẻ và độc đáo, mở ra chuỗi ý tưởng của các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu trong việc thiết lập lại suy nghĩ về các mối quan hệ giữa đời sống thiên nhiên và thế giới con người.
Triển lãm lấy điểm khởi đầu từ lịch sử hệ sinh thái tự nhiên trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, đồng thời đưa ra những góc nhìn khác nhau về lịch sử và hiện tại, chuyển trọng tâm giữa trải nghiệm của con người và môi trường, hướng tới mối quan hệ tương hỗ, chăm sóc, bao bọc lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên.
Cấu trúc trưng bày triển lãm bao gồm bốn phần, với phần đầu tiên nói trực tiếp đến lịch sử và văn hóa phát triển lâm nghiệp. Phần thứ hai là hoạt động thông qua các mối quan hệ tình cảm giữa con người và thực vật. Phần ba là các đề xuất cho các mối liên kết tiềm năng chưa được khai thác giữa thực vật và cuộc sống con người. Phần bốn mở ra thế giới tương lai, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau tạo thành những hình thức hiện hữu mới.
Mỗi tác phẩm tại Tỏa IV là một phần của cuộc đối thoại với thiên nhiên. Nhà nghiên cứu - nghệ sĩ Pujita Guha đưa ra một loạt hình ảnh về những khu rừng cà phê ở phía Bắc Thái Lan, nghệ sĩ Cian Dayrit kể câu chuyện về dân tộc thiểu số ở Philippines, trong khi nghệ sĩ Duy Hoàng lại kết nối với biển qua trải nghiệm riêng tư cá nhân bằng những hình ảnh hiển vi của hạt nước chứa tảo.
Ở một góc nhìn khác, nghệ sĩ Oanh Phi Phi đặt lại khái niệm thời gian thông qua hình ảnh bể cá phản chiếu sử dụng chất liệu sơn mài. Nghệ sĩ Trevor Yeung đưa những cái cây trở thành nhân vật chính, bị xoắn vặn bởi nhiều tác động. Nghệ sĩ Đào Văn Hoàng lại hoà mình dưới cái nhìn vô hình của hệ động thực vật, còn Trần Thảo Miên gợi nhắc cho chúng ta rằng sau cùng, thiên nhiên vẫn là nơi lưu giữ kí ức của vạn vật.
“Các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu nghiên cứu được trình bày tại triển lãm tạo thành một câu chuyện phi tuyến tính, làm sáng tỏ những dấu mốc thường bị bỏ qua, đưa chúng ta đến một không gian của cảm xúc, một không gian tồn tại khác với thế giới của con người”, giám tuyển Abhijan Toto chia sẻ.
Tỏa IV là triển lãm mang dấu ấn đặc trưng của VCCA. Trước đó, VCCA thành công với Tỏa I (2017); Tỏa II (2018); Tỏa III (2019) và đưa “Tỏa” thành sự kiện uy tín được công chúng yêu nghệ thuật mong chờ hàng năm.
Triển lãm Tỏa IV mở cửa tự do từ ngày 16/9/2022 tới hết ngày 30/11/2022 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Mega Mall Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bình luận