• Zalo

Vay gói 30.000 tỷ đồng: Vẫn lo trả lãi cao

Kinh tếThứ Sáu, 15/07/2016 17:47:00 +07:00Google News

Gói 30.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục với các hợp đồng ký trước 31/3/2016, thế nhưng những trường hợp phải giải ngân trong thời điểm hiện nay vẫn bị các ngân hàng thông báo phải trả lãi suất thỏa thuận, thay vì lãi suất 5%/năm.

Mặc dù tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý về mặt nguyên tắc với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng với các hợp đồng ký trước 31/3/2016, thế nhưng những trường hợp phải giải ngân trong thời điểm hiện nay vẫn bị các ngân hàng thông báo phải trả lãi suất thỏa thuận, thay vì lãi suất 5%/năm. Lý do được các ngân hàng đưa ra là chờ hướng dẫn của NHNN về thời điểm áp dụng.

Vay gói 30.000 tỷ đồng: Vẫn lo trả lãi cao

Vay gói 30.000 tỷ đồng: Vẫn lo trả lãi cao

Trả trước, hoàn lại sau?

Thực tế, trước khi có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về hướng tiếp tục giải ngân cho gói tín dụng ưu đãi này, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng theo lãi suất ưu đãi 5%/năm từ ngày 1/6/2016 theo Nghị quyết 23/2016 của Chính phủ về việc tiếp tục gia hạn chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, chưa có ngân hàng thương mại nào giải ngân cho người vay nhà theo lãi suất này với lý do NHNN chưa tái cấp vốn ưu đãi để thực hiện cho vay với lãi suất thấp.

Anh Nghĩa Dũng (quận Bình Tân) vay gói 30.000 tỷ đồng để mua căn hộ tại huyện Bình Chánh cho biết, trong tháng 6 vừa qua, với 260 triệu đồng phải giải ngân trả cho chủ đầu tư, Ngân hàng  BIDV (nơi anh vay) thông báo với anh: không thể tính lãi suất 5%/năm theo chương trình vì phải đợi Thủ tướng chấp thuận kiến nghị của NHNN.

Họ đã yêu cầu anh phải làm thêm phụ lục hợp đồng trả theo lãi suất thỏa thuận của ngân hàng. Tương tự, chị Ngọc Hà vay gói 30.000 tỷ đồng để mua căn hộ tại quận 7, trong tháng 7 này chị sẽ phải giải ngân đợt kế cuối cho nhà đầu tư nhưng khi gọi điện thoại hỏi thì được Ngân hàng Vietcombank (nơi chị vay tiền) cho biết đợi hướng dẫn của NHNN mới tiếp tục giải ngân theo lãi suất 5%.

“Tuần rồi đọc báo thấy Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của NHNN về tiếp tục giải ngân gói này rồi, nhưng theo thông báo của ngân hàng thì kỳ giải ngân sắp tới hoặc là tôi phải chấp nhận với lãi suất thỏa thuận của ngân hàng, hoặc là tôi phải chịu nộp phí phạt trả chậm cho chủ đầu tư”, chị Hà cho hay.

Không chỉ khách hàng của BIDV, Vietcombank mà nhiều khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng của các ngân hàng khác cũng được cho biết phải chờ hướng dẫn của NHNN thì ngân hàng mới giải ngân gói này với lãi suất 5%/năm.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM cho rằng, NHNN phải tái cấp vốn thì các ngân hàng mới thực hiện được. Trong lúc này, ngân hàng rất khó để giải ngân với lãi suất 5% vì mức lãi suất này còn thấp hơn lãi suất đầu vô, chưa kể các chi phí liên quan. Hơn nữa, vốn của các ngân hàng thường tập trung cho các gói vay thương mại hoặc các gói vay ưu đãi của chính ngân hàng đó. Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong giai đoạn chờ chỉ đạo tiếp theo của NHNN, hiện Ngân hàng VietinBank có chính sách ưu đãi lãi suất dành cho các khoản giải ngân mới của các khoản vay đã ký kết theo gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,5%/năm.

“Mặc dù nguồn vốn thực hiện cho các khoản giải ngân này ở thời điểm hiện nay được lấy từ nguồn vốn thương mại của VietinBank, nhưng chúng tôi vẫn thu xếp để đảm bảo mức lãi suất áp dụng cho khách hàng ở mức tối thiểu là 7,5%/năm”, đại diện Ngân hàng VietinBank cho hay.

Về việc này, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cũng nhìn nhận hiện nay các ngân hàng đang phải giải ngân theo lãi suất thoả thuận cho những trường hợp vay gói 30.000 tỷ đồng: “NHNN sẽ sớm có hướng dẫn và đưa ra thời điểm áp dụng giải ngân gói này. Chẳng hạn như nếu văn bản NHNN ban hành trong tháng 7 nhưng ghi rõ áp dụng từ ngày 1-6 thì khách hàng sẽ được các ngân hàng hoàn trả lại phần lãi suất chênh lệch”.

Còn dư địa để hỗ trợ lãi suất

Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng theo kiến nghị của NHNN là tin vui cho người dân đang vay gói hỗ trợ này. Trong kiến nghị, NHNN đưa ra phương án gia hạn giải ngân gói tín dụng trên theo hướng cho phép gia hạn giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31/3/2016 đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016.

Tuy nhiên, NHNN cũng đề nghị dừng giải ngân tái cấp vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.

Về việc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng việc Thủ tướng chấp nhận đề nghị trên là rất tích cực nhưng so với tình hình thực tế thì vẫn chưa giải quyết được hết các nhu cầu chính đáng của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi. Thực tế hiện có nhiều dự án có thời hạn giao nhà sau ngày 31/12/2016, nếu không được giải ngân thì người vay sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn vì khó tìm được nguồn vốn vay thay thế. Như vậy là chưa đảm bảo được quyền lợi của người vay gói tín dụng ưu đãi.

Theo ông Châu, Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này và trên thực tế, NHNN cho biết đến ngày 10/5/2016, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng. Như vậy, mức vốn cam kết hiện vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên nên vẫn còn dư địa để hỗ trợ lãi suất.

Chính vì thế, HoREA đã kiến nghị cho phép gia hạn giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với điều kiện căn hộ của dự án đó đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/3/2016.

“Cần kiểm tra nắm chắc tình hình thực tế của từng dự án để xử lý cho phù hợp, trong trường hợp chủ đầu tư chưa bán căn hộ cho người tiêu dùng thì có thể dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng và hướng dẫn chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội theo NĐ 100/2015 của Chính phủ”, ông Châu nói.

Nguồn: Bizlive
Bình luận
vtcnews.vn