• Zalo

Vào Quốc hội mà cứ 'im như thóc' thì vào làm gì?

Thời sựThứ Năm, 04/09/2014 07:20:00 +07:00Google News

Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng có nhiều đại biểu vào Quốc hội nhưng chỉ ngồi 'im như thóc', vào để 'giữ ghế'.

"Nói thật với các đồng chí, nhiều lúc mình ngồi trong hội trường Quốc hội mà mình rất đau xót. Anh vào anh ngồi đó, không phát biểu, bỏ ghế trống dân người ta nói…".

Đó là những chia sẻ của ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tại Hội nghị đóng góp ý kiến về dự án Luật bầu cử ĐBQH và HĐND (Luật bầu cử) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại TP Đà Nẵng vào ngày 4/9.
Đại biểu, Quốc hội, Đà Nẵng, Huỳnh Nghĩa, ủy ban, họp, Luật
 Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, nói: “Các đại biểu vào QH không phát biểu thì vào để làm gì?”
“Anh vào có làm được việc không hay để giữ ghế”

Góp ý cho dự thảo, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, đưa ra nhận xét khá thẳng thắn khi cho rằng dự án Luật Bầu cử lần này vẫn còn quá cũ, chưa thấy đổi mới thực sự. “Tôi thiết tha đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, nhanh chóng thay đổi mạnh mẽ công tác bầu cử”- ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa dẫn chứng, 13 nhiệm kỳ vừa qua QH vẫn còn quá nặng về cơ cấu, xem nhẹ tiêu chuẩn. Trong khi đó tiêu chuẩn đại biểu là yếu tố quyết định chất lượng của QH. Ông Nghĩa nhấn mạnh cơ chế tổ chức bầu cử cần phải làm sao để người trúng cử vào QH phải làm được việc. “Vào QH, vào HĐND anh có làm được việc hay không, anh có đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri hay không? Hay là anh vào chỉ vì cái chức, để giữ ghế của anh?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Ông Nghĩa cũng thẳng thắn, có nhiều người sau khi trúng vào cử ĐBQH, HĐND không làm được gì hết thì vào QH làm gì cho choán ghế. “Chúng ta phải mạnh dạn thay đổi, để các đại biểu vào QH phải làm được việc. Họ phải đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri, phải có tiếng nói đóng góp cho QH. Còn các ĐB vào QH không phát biểu thì vào để làm gì. Nói thật với các đồng chí, nhiều lúc mình ngồi trong hội trường QH mà mình rất đau xót. Anh vào anh ngồi đó, không phát biểu, bỏ ghế trống dân người ta nói…”, ông Nghĩa nói.

Ông Trần An Khánh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cũng cho rằng: “Chúng ta cần và mong muốn có một cơ chế bầu cử để chọn ra được người nhiệt huyết. Để người ta xem việc làm đại diện cho tiếng nói của cử tri là một đam mê của mình thì mới được”.   

Vận động tranh cử: Ý kiến trái chiều

Góp ý cụ thể cho dự luật về vấn đề vận động bầu cử, ông Hà Minh Sơn, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội (QH), cho hay thực tiễn bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng so với các ứng cử viên khác. Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định người ứng cử tự mình vận động tranh cử. Theo đó, người ứng cử có hai hình thức vận động bầu cử là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thương, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho rằng phải cho phép người tự ứng cử được quyền tự vận động tranh cử với “luật chơi” công bằng cho mọi ứng viên.

“Người ứng cử có quyền đứng ra hiến kế, đề xuất, có chương trình hành động trình bày công khai trước cử tri. Họ có quyền đứng ra nêu chính kiến của mình, đưa ra các lời hứa với cử tri và nếu cử tri thấy họ có tài, làm được việc thì sẽ ủng hộ. Còn sợ việc tự vận động tranh cử sẽ xuất hiện việc mua chuộc bằng tiền bạc, vật chất để mua phiếu của cử tri thì đã có pháp luật ràng buộc và xử lý”, ông Thương phát biểu.

Ông Lê Ngọc Tâm, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Đắk Lắk ủng hộ quan điểm để cho các ứng cử viên gặp gỡ cử tri và tự tranh cử mà không cần phải quá lo lắng tới việc mua phiếu. Bởi trong Điều 65, Chương VI về tuyên truyền vận động bầu cử của dự thảo đã quy định các hành vi bị cấm khi vận động bầu cử như: “không được sử dụng tiền bạc, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo mua chuộc cử tri”. Vì vậy, ứng cử viên tự tranh cử vi phạm sẽ bị xử lý.

Bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, không ủng hộ việc vận động tranh cử tự do đối với tất cả các ứng cử viên. Tuy nhiên, theo bà Hồng, có thể cho các ứng viên tự ứng cử tranh cử với nhau. Họ có quyền đưa ra chương trình hành động với các lời hứa và thực hiện lời hứa với cử tri, như: xây dựng trường học, trạm y tế… cho địa phương nơi mình tranh cử.

Đại biểu, Quốc hội, Đà Nẵng, Huỳnh Nghĩa, ủy ban, họp, Luật
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng dự thảo luật Bầu cử còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện trong thời gian tới
Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhìn nhận đúng là dự thảo Luật Bầu cử lần này với yêu cầu cải tiến để thực sự dân chủ hơn, thực sự tìm ra được các ĐB xứng đáng hơn thì vẫn chưa có sự đổi mới hơn so với trước đây mà chủ yếu vẫn chỉ là nhắc lại. Nhiều vấn đề vẫn còn rất vướng mắc để bầu cho được những ĐB thực sự đại diện cho quyền lợi cho dân và tiếng nói của QH. Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, hiện dự thảo vẫn chưa giải quyết được giữa vấn đề tiêu chuẩn và cơ cấu. Việc xác định về tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu của ĐB…vẫn còn là điểm yếu trong dự thảo.

Ông Lý cũng cho hay Ban soạn thảo sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo và trình QH trong thời gian tới. Trong đó, sẽ chú ý tới việc sửa đổi cơ cấu đại biểu, và các ĐB phải dựa trên các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng đại biểu.

Theo Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn