• Zalo

Vào đại học được hoãn nghĩa vụ quân sự là bất công

Thời sựThứ Năm, 14/08/2014 01:34:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên quy định đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ với sinh viên đại học, cao đẳng chính quy.

(VTC News) - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên quy định đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ với sinh viên đại học, cao đẳng chính quy.

Sáng 14/8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi. Trong đó, nhiều thành viên đã cho ý kiến về đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.

Gọi nhập ngũ đến 90% con em nông dân
Nhập ngũ
Thời gian qua, 90% con em nông dân mới nhập ngũ 
Về đối tượng tạm hoãn gọi công dân nhập ngũ thời bình, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ.

Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.

“Đối với công dân đang học chương trình đào tạo đại học được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ”, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết.

Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả.

Những đối tượng này sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ sẽ được các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận lại để tiếp tục học tập.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng nêu ra thực tế:“ Trong thời gian qua, số lượng nhập ngũ có tới 90% là con em nông dân. Vừa qua, chúng ta cũng chỉ tập trung tuyển chủ yếu con em nông dân”.

Nếu tuyển được đội ngũ có trình độ để phục vụ trong quân đội thì sẽ nâng cao chất lượng quân đội Việt Nam đồng thời những đồng chí này sau 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự khi trở về cơ quan công tác cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Về số lần tuyển quân trong năm, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng hiện nay cũng chỉ quy định số lần gọi nhập ngũ trong năm 1 lần, trường hợp cần thiết thì 2 lần/năm khi cần bổ sung quân số cho quân đội.

Cứ đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự

Cho ý kiến về đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, nhiều ý kiến Ủy ban thường vụ đồng ý với dự thảo Luật thu hẹp diện đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không thể cứ đỗ đại học là được hoãn nhập ngũ 
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên phân biệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ để tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Đồng thời nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Điều này cũng nhằm khắc phục tình trạng như thời gian qua gọi nhập ngũ chủ yếu chỉ tập trung vào con em nông dân tỷ lệ gọi số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần xây dựng một nguyên tắc cứ đến tuổi là phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc làm này nhằm để nâng cao trách nhiệm của giới trẻ phải ý thức bảo vệ tổ quốc.

“Đây là một trong những biện pháp nâng cáo trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ. Tôi thấy rằng, anh em nào rèn luyện qua quân đội thì khi về địa phương sẽ trưởng thành hơn, chín chắn hơn”. Bên cạnh đó, môi trường quân đội cũng rất thích hợp để giáo dục đạo đức cho thanh niên.
nghĩa vụ quân sự
Các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như các thanh niên khác 
Bà Mai cũng lấy ra ví dụ ở Hàn Quốc nếu thanh niên đến tuổi không thực hiện nghĩa vụ quân sẽ bị bỏ tù.

“Tôi thấy rằng ngay cả những ca sĩ, diễn viên rất nổi tiếng ở Hàn Quốc cũng đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như những thanh niên khác”, bà Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với những trường hợp học sinh Hàn Quốc ra nước ngoài du học, gia đình đó sẽ phải đóng số tiền từ 60.000 USD-300.000 USD để đảm bảo. Nhà nước sẽ trả lại số tiền đó khi thanh niên này về nước và thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nếu thanh niên không thực hiện nghĩa vụ quân sự, dù có đóng tiền thì vẫn bị xử lý hình sự.

Bà Mai cũng đề nghị không có sự phân biệt đối với sinh viên chính quy hoặc không chính quy trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự để đảm bảo tính công bằng trong học tập.

Cũng thể hiện sự nhất trí cao đối với các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với người có trình độ.

“Bây giờ cứ trúng tuyển đại học là thôi nghĩa vụ quân sự, trượt đại học thì lại đi du học. Tôi thấy như vậy rất bất công”, bà Ngân đưa ra quan điểm.

Bà Ngân cũng đồng tình với quan điểm của nhiều vị đại biểu cho rằng không được phân biệt sinh viên hệ đại học chính quy và không chính quy trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thậm chí, vị Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng các cán bộ công chức, viên chức cũng cần phải bình đẳng như các thanh niên khác trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trước đây vào những năm 90 của thế kỷ trước, tại cơ quan bà Ngân công tác vẫn có những đợt chia tay các thanh niên đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên hiện nay, thanh niên vào các cơ quan nhà nước thì đa số không phải đi nghĩa vụ quân sự.

“Cán bộ Văn phòng Quốc hội trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì vẫn phải đi nghĩa vụ”, bà Ngân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng có thể thiết kế mềm dẻo để cho thanh niên có thể lựa chọn việc thực hiện nghĩa vụ quân sự khi bắt đầu vào học hoặc khi đã tốt nghiệp ra trường.

Thậm chí, với những sinh viên tốt nghiệp ra trường khi thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được bố trí vào những đơn vị phù hợp với ngành học đã được đào tạo.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn