• Zalo

Vàng thật đốt có bị đen?

Thị trườngThứ Bảy, 16/12/2023 12:30:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nhờ đặc tính không bị oxy hóa, vàng thật khi đốt lên sẽ không bị đen.

Vàng là kim loại quý có giá trị cao và được bán rộng rãi trên thị trường. Do là hàng có giá trị cao nên không ít cửa hàng làm vàng giả để kinh doanh kiếm lời. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vàng thật đốt có bị đen không? Phân biệt vàng giả bằng cách nào?

Vì sao vàng là kim loại quý?

Trong lịch sử kinh tế, vàng từng đóng vai trò như tiền tệ là vật ngang giá trung gian trong thời gian dài. Vàng quý kiếm như vậy bởi đây là kim loại khó kiếm. Trung bình người ta phải lọc 10 tấn đất đá mới thu được 1 lượng vàng.

Hơn nữa, nhờ đặc tính đồng nhất, độ tinh khiết cao, không ăn mòn và luôn ổn định trong mọi điều kiện...vàng có thể bảo toàn giá trị, trở thành thước đo giá trị hàng hóa khác. Ngoài ra, vàng còn mang đến giá trị thẩm mỹ, có sức hút lớn với nhiều người dùng làm trang sức.

Vàng thật đốt có bị đen không?

Vàng thật đốt không bị đen. (Ảnh minh họa)

Vàng thật đốt không bị đen. (Ảnh minh họa)

Do vàng có đặc tính không bị oxy hóa hay rỉ sét nên vàng thật khi đốt lên sẽ không bị đen. Trường hợp đem vàng đi đốt mà chuyển sang màu sậm thì vàng đó đã bị pha tạp chất, không còn là vàng nguyên chất nữa.

Cách phân biệt vàng thật, vàng giả đơn giản nhất

Để kiểm tra xem đó là vàng thật hay vàng giả, vàng kém chất lượng, người tiêu dùng có thể áp dụng một số cách sau:

Nhận biết bằng ký hiệu trên trang sức vàng

Với trang sức vàng thật, trên bề mặt của sản phẩm luôn được khắc các ký hiệu chỉ độ tuổi hay thương hiệu vàng như 10K, 24K, 18K, PNJ, SJC, 9999...Trong khi đó, vàng giả sẽ không tìm thấy các ký hiệu này.

Vàng thật có các ký hiệu tuổi, thương hiệu. (Ảnh: SJC)

Vàng thật có các ký hiệu tuổi, thương hiệu. (Ảnh: SJC)

Giấy tờ kiểm định

Giấy tờ kiểm định là một phần quan trọng trong giao dịch mua vàng. Các giấy tờ này giúp đảm bảo chất lượng và giá trị thực sự của sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người mua. Một số giấy tờ kiểm định quan trọng cho vàng như chứng chỉ vàng, chứng nhận độ tinh khiết, chứng chỉ xuất xứ, bảo hành và chính sách đổi trả...

Nhận biết bằng cách quan sát dưới ánh sáng

Khi quan sát dưới ánh sáng, vàng thật có bề mặt láng mịn, không có chấm nhỏ li ti, không có vết lồi lõm. Ngược lại, bề mặt vàng giả xuất hiện các đốm nhỏ màu trắng hoặc đỏ.

Cắn thử vàng để nhận biết

Vàng nguyên chất thường có độ mềm, dẻo hơn so với hầu hết các kim loại khác. Do đó, vàng thật dễ hằn dấu răng khi bị cắn mạnh. Còn vàng giả sẽ cứng, không bị trầy hay móp méo.

Dùng giấm kiểm tra vàng thật hay giả

Vàng thật khi tiếp xúc với giấm sẽ không bị đổi màu. Trong khi đó, nếu cho vàng giả vào giấm, nó có thể bị ăn mòn hoặc thay đổi màu, trở nên xỉn hơn.

Sử dụng nam châm

Vàng là kim loại không từ trường nên nó không bị ảnh hưởng bởi nam châm. Nếu vàng bị nam châm hút, đó có thể là vàng giả hoặc chỉ là hợp kim của vàng, không phải vàng nguyên chất.

Dùng lửa thử vàng

Nhiệt độ nóng chảy của vàng lên tới tận 1.064 độ C. Do đó, nếu là vàng thật, nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi ngọn lửa bình thường. Nếu dưới tác động của một ngọn lửa mà vàng bị biến đổi, chảy ra và có màu đen thì đó chắc chắn là vàng giả.

Bằng Lăng(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn