• Zalo

Vàng tái diễn tình trạng “loạn giá”

Kinh tếThứ Sáu, 25/11/2011 08:25:00 +07:00Google News

(VTC News)- Trong ngày hôm qua và sáng nay(25/11), giá vàng trong nước tiếp tục tái diễn tình trạng "loạn giá".

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giá vàng một số thương hiệu thấp hơn giá vàng SJC có thể do doanh nghiệp lo ngại tới đây không được sản xuất vàng miếng, song cũng có thể vấn đề này xuất phát từ nguyên nhân chất lượng.


Mở cửa sáng 25/11, giá vàng SJC bật tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua. Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 44,45 triệu đồng/lượng – 44,65 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Còn giá vàng miếng AAA lúc 8h15’ sáng 25/11 niêm yết ở mức 44 triệu đồng/lượng – 44,45 triệu đồng/lượng (Mua vào – bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng miếng AAA không đổi chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra. Tuy nhiên, so với giá vàng SJC, giá vàng miếng AAA đang thấp hơn 450.000 đồng/lượng (mua vào) và 150.000 đồng/lượng (bán ra).

(Ảnh minh họa)

Lúc 8h52’ sáng 25/11, giá vàng miếng Rồng Thăng Long của công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 44,30 triệu đồng/lượng – 44,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với giá vàng SJC, vàng miếng Rồng Thăng Long thấp hơn 150.000 đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Cuối giờ chiều ngày 24/11, giá vàng SJC của công ty VBĐQ Sài Gòn được niêm yết trong vùng 44,25 triệu đồng/lượng – 44,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với đầu giờ buổi sáng 24/11, giá vàng SJC sụt giảm 200.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào – bán ra.

Cùng thời điểm trên, giá vàng Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 44,35 triệu đồng/lượng – 44,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với giá vàng SJC, giá vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cao hơn 100.000 đồng/lượng (mua vào) và 50.000 đồng/lượng (bán ra).

Tuy nhiên, vào cuối buổi sáng 24/11, giá vàng miếng Rồng Thăng Long ở mức 44,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,35 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn giá vàng SJC lại được niêm yết ở mức 44,2 triệu đồng/lượng – 44,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Còn giá vàng 3 chữ AAA của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam lúc 15h40 được niêm yết ở mức 44 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,3 triệu đồng/lượng (bán ra).Thậm chí, mức giá này còn thấp hơn giá vàng miếng Rồng Thăng Long,còn so với giá vàng SJC,thì vàng miếng 3 chữ AAA đang thấp hơn 250.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào – bán ra).

Có thời điểm giá vàng chênh lệch giữa một số thương hiệu so với giá vàng SJC lên đến 1 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này đã được thu hẹp trong ngày 23/11, tuy nhiên đến sáng 24/11 khoảng cách chênh lệch lại được nới rộng lên đến 250.000 đồng/lượng.

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã Hội Hà Nội) đánh giá, thị trường có sự loạn giá là do yếu tố tâm lý, không loại trừ khả năng một số tin đồn thất thiệt để làm giàu.

Ông Phong cho rằng: “Phải xem xét lượng mua vào, bán ra bên nào nhiều hơn mới đánh giá được việc hạ giá vàng có mục đích gì. Nếu thực tế lượng mua vào nhiều thì đó là doanh nghiệp đang thấp thu gom với giá rẻ, còn nếu bán ra nhiều là họ đang bán tháo”.

Trao đổi với P/V VTC News, chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí cho rằng, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định vàng miếng đã được người dân mua, vẫn có giá trị sau khi Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, động thái này đã góp phần ổn định tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, việc tái diễn chuyện vàng có nhiều mức giá chênh lệch khác nhau, ông Chí nhận định: “Trước hết, có thể doanh nghiệp dự đoán không còn được sản xuất nữa nên hạ giá để phòng vệ cho chính họ. Tức là nhân cơ hội này, một số doanh nghiệp hạ giá vàng miếng để người dân bán với giá thấp. Sau đó, khi không còn được sản xuất nữa, người dân quay sang mua vàng SJC thì các doanh nghiệp này sẽ bán lại cho SJC để gia công và dập thành vàng SJC”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí cho rằng, hiện nay vẫn chưa ngã ngũ doanh nghiệp nào được sản xuất vàng miếng hay SJC sản xuất cho các thương hiệu không được tiếp tục sản xuất ?. Một khả năng rất lớn là có thể một số thương hiệu không được tiếp tục sản xuất vàng miếng, bởi chiếu theo quy định trong dự thảo Nghị định chỉ có SJC mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn. Với việc niêm yết giá vàng thấp hơn SJC dẫn đến mua vào với giá thấp, khi bán lại cho SJC sau này lại thu được mức giá cao hơn, thì doanh nghiệp vẫn có lãi.

Tuy nhiên, ông Chí cũng cho rằng, có thể một nguyên nhân nữa khiến vàng loạn giá là do vấn đề chất lượng. Chuyên gia này bày tỏ thắc mắc, trong khi các loại vàng đều tương đương nhau, nhưng tại sao lại có chuyện nhiều mức giá khác nhau?.

Bởi, hiện nay, khi người dân mua vàng của doanh nghiệp nào thì phải bán cho chính doanh nghiệp đó. Ngoài ra, chính doanh nghiệp sản xuất sẽ biết được chất lượng miếng vàng của mình. Chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí dự đoán, có thể sau này khi bán lại cho SJC, thì vàng không đủ tuổi nên phải chấp nhận bán lại với giá thấp, dẫn đến hạ giá từ đầu để chiết khấu.

Anh Minh

Bình luận
vtcnews.vn