• Zalo

Vàng SJC cong vênh vẫn làm khó khách hàng

Kinh tếThứ Hai, 18/06/2012 02:42:00 +07:00Google News

Khách hàng vẫn chịu nhiều thiệt thòi nếu muốn bán lại vàng miếng không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho chính nơi họ từng mua.

Trong lúc chờ Ngân hàng Nhà nước ra văn bản hướng dẫn thu đổi và xử lý vàng miếng không đủ tiêu chuẩn lưu thông, khách hàng vẫn chịu nhiều thiệt thòi nếu muốn bán lại sản phẩm cho chính nơi họ từng mua.

Thứ sáu tuần trước, bác Vĩnh ở quận Đống Đa (Hà Nội) mang 81 cây vàng SJC đến bán tại quầy giao dịch của Tập đoàn DOJI trên đường Lê Ngọc Hân. Đã nhiều lần mang vàng đi bán, lần này bác Vĩnh bất ngờ khi nhân viên cửa hàng tuyên bố 40 trên tổng số 81 cây vàng của bác bị cong vênh, trầy xước và yêu cầu trừ 500.000 đồng mỗi lượng.

Vị khách 70 tuổi hết sức bức xúc vì số vàng này bác từng mua của chính DOJI. Hơn nữa, nhìn bằng mắt thường, cả 81 cây không có dấu hiệu gì khác biệt so với lúc mua.

Tuy nhiên, theo quan sát của nhân viên cửa hàng, 40 miếng vàng này có những vết lõm nhỏ, hoặc đường cắt không sắc nét ở cạnh, góc các miếng vàng, với chiều dài chưa đến 1 mm.

"Đây là quy định do Công ty SJC Sài Gòn đưa ra. Trước đây họ được sản xuất nên mức phí thu đổi thấp. Bây giờ họ rất hạn chế mua vàng miếng cong vênh vì chưa được phép gia công trở lại", chị Hiền, cửa hàng trưởng tại đây giải thích. Cũng theo chị, vì SJC chưa nhận gia công nên các công ty bán loại vàng này không thể mua nguyên giá cho khách. Trong lúc chờ, một mặt DOJI vẫn mua vào nhưng phải áp phí thu đổi lên 500.000 đồng mỗi lượng.

Trong số 5 miếng vàng anh Hải đem tới DOJI bán, 3 miếng bị nhân viên cho là không đạt tiêu chuẩn. các vết trầy xước đã được khoanh tròn, với kích thước chưa đến 1 mm. Ảnh: Thanh Bình  

Bác Vĩnh không phải là khách hàng duy nhất bị trừ tiền khi bán vàng "cong vênh, trầy xước" sáng hôm đó. Anh Thanh Hải, đi 10 km từ Ngụy Như Kon Tum lên cửa hàng của Tập đoàn DOJI để bán vàng, bức xức kể lại với VnExpress: "Tôi vừa mua 5 cây vàng tại chính cửa hàng này cách đây 2 tuần, nay có việc phải bán, thế nhưng bây giờ nhân viên cửa hàng lại "bắt lỗi" 3 cây và đòi trừ của tôi 1,5 triệu đồng".

Anh quyết định không bán ở DOJI nữa mà mang sang cửa hàng của một doanh nghiệp gần đó. Nhân viên nơi đây thu mua ngay lập tức theo giá niêm yết 42,2 triệu đồng mà không săm soi vàng lỗi hay trừ bất cứ một khoản nào. Còn bác Vĩnh, do vội đi đặt cọc mua nhà ngay trong buổi trưa nên phải bán vàng tại DOJI ngay trong buổi sáng. Sau khi biết anh Hải bán được nguyên giá, bác chỉ còn biết than trời vì đã mất oan 20 triệu đồng cho 40 cây bị nhân viên kết luận là công vênh.

Chuyện khách hàng bị làm khó khi bán vàng cong vênh bắt đầu diễn ra từ tuần cuối tháng 5, khi nghị định quản lý kinh doanh vàng bắt đầu có hiệu lực, cũng là lúc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định - chỉ được gia công, dập đúc theo quota và đúng series đã cấp. Do không có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về việc dập đúc lại những miếng vàng không đủ tiêu chuẩn, nên SJC cũng hạn chế thu đổi.

Cũng vì không rõ Ngân hàng Nhà nước có đồng ý cho SJC dập lại vàng miếng cong vênh hay không, nên mỗi đại lý lại có quy định khác nhau về việc thu đổi cho khách. Nơi khắt khe nhất thì chỉ mua vào nếu khách chấp nhận bán với giá nguyên liệu (thấp hơn 1 triệu đồng mỗi lượng so với vàng miếng). Nơi dễ tính nhất thì mua bằng giá niêm yết và áp phí thu đổi cũ, 50.000-60.000 đồng mỗi lượng. Đa phần các doanh nghiệp khác áp phí thu đổi lên tới nửa triệu đồng mỗi lượng, để phòng rủi ro nhỡ SJC không mua lại. Bản thân DOJI những ngày đầu công bố phí thu đổi một hai trăm nghìn, nhưng cuối tuần qua đã tăng lên 500.000 đồng một lượng.

Bảng quy định mới từ ngày 11/6 của DOJI, trong đó nêu rõ vàng cong vênh, trầy xước bị trừ 50.000 một chỉ. Ảnh: TB 

Đại diện DOJI trưa nay xác nhận để chia sẻ với khách hàng, tập đoàn vừa điều chỉnh lại phí thu đổi. Theo đó, với những miếng vàng bị rách, xước bao bì, phí thu đổi là 40.000 đồng một lượng. Trong trường hợp miếng vàng bị cong vênh, móp méo, mức cao nhất áp dụng là 350.000 đồng.

"Chúng tôi hiểu khách hàng chịu thiệt thòi. Nhưng bản thân doanh nghiệp do không rõ chủ trương nên nếu làm liều mua vào sẽ gặp rủi ro", vị đại diện này phân trần.

Theo đại diện DOJI, rủi ro lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước không đồng ý dập đúc lại, khi đó số vàng đã mua chỉ có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất nữ trang. Trường hợp ít rủi ro hơn, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương đồng ý nhưng chậm ban hành hướng dẫn, doanh nghiệp phải chịu đọng vốn để chờ cho đến ngày được dập đúc trở lại.

Đại diện công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn trưa nay cũng cho biết công ty bắt đầu thu mua lại vàng cong vênh sau thời gian ngừng mua, phí thu đổi giữ nguyên 50.000 đồng một lượng.

"Tuy nhiên, chúng tôi không dám hứa trước là công ty sẽ tiếp tục thu mua vàng cong vênh đến lúc nào, vì nguồn vốn có hạn. Trong khi đó, cho đến nay SJC Sài Gòn vẫn chưa nhận được chỉ thị nào từ Ngân hàng Nhà nước về việc dập đúc vàng cong vênh", đại diện này cho biết.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ trương cho dập lại các miếng vàng SJC bị cong vênh đã được đồng ý về nguyên tắc. Tuy nhiên, sớm nhất vài ngày nữa mới có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Theo vị này, ngay từ khi ban hành nghị định quản lý kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã lường trước khả năng phải thu đổi vàng không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Phương án có thể là cho phép SJC dập lại đúng theo số quota đã cấp từ đầu năm. Nhưng cơ quan quản lý vẫn lo ngại khả năng các đơn vị lợi dụng cơ chế để sản xuất vượt số lượng cho phép.

Cho rằng doanh nghiệp cũng gặp khó khi chưa có quy định thu đổi vàng không đạt tiêu chuẩn, nhưng theo vị quan chức Ngân hàng Nhà nước, mức phí thu đổi 500.000 đồng như hiện nay là hơi quá đáng.

Theo Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn