• Zalo

Ván sàn gỗ lim làm cầu đi bộ siêu sang ở Huế rạn nứt: Thông tin mới nhất

Thời sựThứ Sáu, 07/09/2018 18:20:00 +07:00Google News

Đại diện đơn vị cung cấp ván sàn gỗ lim để làm cầu đi bộ siêu sang đang triển khai trên sông Hương (Thừa Thiên - Huế) tiết lộ những thông tin không ngờ về nguồn gốc và chất lượng gỗ.

Liên quan đến sự việc ván sàn gỗ lim cầu đi bộ siêu sang ở Huế rạn nứt, PV VTC News có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng (đơn vị cung ứng ván sàn gỗ lim cho nhà thầu thi công cầu đi bộ siêu sang ở Huế).

Lim Nam Phi nhưng nhập khẩu qua Nam Mỹ?

Trả lời PV VTC News, ông Lê Trung – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng xác nhận, công ty có hợp đồng cung ứng ván sàn gỗ cho đơn vị thi công làm cầu đi bộ lát gỗ lim đang triển khai trên sông Hương ở TP Huế.

Theo ông Trung, đến thời điểm hiện tại, công ty đã cung cấp cho nhà thầu thi công gần 100 khối gỗ lim thành phẩm qua 2 đơn hàng với khoảng 10 đợt.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng cũng cho biết, theo hợp đồng, công ty sẽ cung ứng khoảng 160 khối gỗ lim thành phẩm cho nhà thầu thi công.

41145022_262573731261738_1878410745838829568_n

Ông Lê Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng bên một khúc gỗ lim chuẩn bị được mang đi xẻ thành ván sàn để cung ứng cho chủ thầu thi công làm cầu đi bộ siêu sang trên sông Hương ở Huế. (Ảnh: Nguyễn Vương) 

“Gỗ chúng tôi cung cấp cho đơn vị thi công là loại gỗ lim đã xẻ thanh, có nguồn gốc hợp pháp và được kiểm lâm xác nhận”, ông Lê Trung khẳng định.

Vị Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng cũng tiết lộ, lý do công ty được chọn là nhà cung cấp gỗ lim là do đưa ra giá “tốt hơn” so với các công ty cung ứng gỗ khác. Sau một hồi băn khoăn, ông Trung tiết lộ, công ty bán gỗ lim cho đơn vị thi công với giá khoảng 28 triệu đồng/khối. Trong đó, chi phí sấy, ngâm hoá chất và bảo quản gỗ thành phẩm do đơn vụ thi công tự chi trả.

Trước khi triển khai dự án, 10 mẫu gỗ lim được công ty này gửi cho chủ đầu tư và đơn vị thi công kiểm định chất lượng, chọn mẫu. Cùng với đó, việc kiểm tra tính pháp lí, nguồn gốc gỗ lim để phục vụ dự án cũng được đơn vị thi công giám sát chặt chẽ.

Ông Lê Trung cho hay, hầu hết gỗ lim phục vụ dự án cầu đi bộ đều được nhập khẩu về Việt Nam thông qua cảng Hải Phòng. Tất cả gỗ lim đều có nguồn gốc từ Nam Phi nhưng khi nhập khẩu, một số được nhập qua các nước khác, trong đó có nước thuộc Nam Mỹ.

41117023_327477481333752_6143318192799350784_n

Theo ông Lê Trung, trong quá trình xẻ gỗ, gỗ thanh thành phẩm đạt chất lượng để cung cấp chi nhà thầu thi công chỉ khoảng 50 - 60%. Trong hình là những thanh gỗ bị thải loại và đơn vị cung ứng gỗ phải bán cho đơn vị khác với giá rẻ hơn hoặc tái chế vào mục đích khác. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng cũng thừa nhận, trong số gỗ lim đơn vị này cung ứng cho nhà thầu thi công cầu đi bộ có khoảng 60 – 70 khối gỗ chưa thành phẩm được công ty này nhập về cách đây khoảng 5 – 6 năm nhưng chưa có đơn đặt hàng.

Khi có hợp đồng với đơn vị thi công cầu đi bộ, số gỗ lim "tồn kho" nói trên được vận chuyển từ Đắk Lắk ra Huế và xẻ được khoảng 30 – 40 khối gỗ thành phẩm rồi cung cấp cho đơn vị thi công.

Nói về những vết nứt xuất hiện trên ván sàn gỗ lim ở cầu đi bộ siêu sang đang được triển khai, ông Lê Trung khẳng định, những thanh gỗ thành phẩm mà công ty cung cấp cho nhà thầu thi công đều đảm bảo chất lượng và không xuất hiện rạn nứt.

39402026_2561751070516546_145076165533499392_n-7-13361410 4

 Ông Lê Trung khẳng định, ván sàn gỗ khi Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng xuất ra cho chủ thầu thi công không xuất hiện tình trạng rạn nứt. (Ảnh: Nguyễn Vương).

“Những vết nứt xuất hiện trên ván sàn gỗ lim có thể xảy ra khi nhà thầu thi công làm công đoạn sấy, ngâm và tẩm hoá chất. Đôi khi nhà thầu thi công quá cẩn thận và sấy gỗ quá lâu thì cũng khiến gỗ bị nứt”, ông Lê Trung nói.

Cần phải nói thêm rằng, trước đó, trong một lần cung cấp thông tin cho báo chí, Ban Quản lý dự án KOICA (chủ đầu tư công trình cầu đi bộ lát gỗ lim trên sông Hương) khẳng định, theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, nguồn gốc gỗ lim được nhập khẩu, có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Nhà thầu thi công phản pháo

Trước những thông tin ông Lê Trung cấp, để độc giả có cái khách quan hơn, PV VTC News cũng có buổi làm việc với ông Văn Viết Thành – Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên – Huế (nhà thầu thi công cầu đi bộ lát gỗ lim trên sông Hương).

Tại buổi làm việc, ông Văn Viết Thành khẳng định, từ trước đến nay, mọi công việc công ty ông chỉ ký kết hợp đồng, làm việc với ông Lê Văn Diễn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng.

1-1-1420086-1539498 6

 Trong biên bản kiếm tra lâm sản, ông Lê Trung ký tên và đóng dấu với chức danh Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng. Tuy nhiên, khi làm việc với PV VTC News, ông Văn Viết Thành lại nói ông Trung chỉ là người xẻ gỗ thuê và những thông tin ông Trung cung cấp là không chính xác. 

Khi PV đưa ra những thông tin do ông Lê Trung – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng cung cấp, ông Văn Viết Thành cho rằng, ông Trung chỉ là người xẻ gỗ thuê và những thông tin ông Trung cung cấp cho báo chí chỉ là thông tin sai và dễ gây hiểu lầm.

“Không có chuyện gỗ lim được nhập từ các nước khác ngoài Nam Phi đâu. Đặc biệt, giá gỗ sau khi đơn vị thi công tính toán sau trừ thuế là gần 39 triệu đồng/khối chứ làm gì có chuyện giá 28 triệu đồng/khối như ông Trung nói”, ông Văn Viết Thành khẳng định.

Ông Thành cũng cho biết, trên thực tế, giá gỗ lim để thực hiện dự án được đơn vị cung ứng gỗ đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị chào bán ban đầu.

“Cụ thể, giá bán theo hợp đồng ban đầu là 30 triệu đồng/khối. Sau đó, do yêu cầu khắt khe của đơn vị nghiệm thu (gỗ không tim, không bị nứt xé, không bám rác, không cong vênh…) nên đơn vị cung ứng đẩy giá gỗ lên tới 33 triệu đồng/khối.

Sau khi trừ thuế, chi phí vận chuyển, hấp sấy thì giá gỗ lim đạt mức gần 39 triệu đồng /khối. Chỉ tính riêng công đoạn mua gỗ lim, đơn vị thi công chúng tôi cũng bị lỗ gần 900 triệu đồng”, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên – Huế nói.

Ông Văn Viết Thành cũng yêu cầu PV phải liên hệ với ông Lê Văn Diễn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng để có thông tin chính xác nhất.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau nhiều lần gọi điện đặt lịch làm việc nhưng PV vẫn chưa thể có buổi làm việc trực tiếp hay nhận được thông tin chính thức nào từ ông Lê Văn Diễn.

1_83194 7

 Cầu đi bộ lát gỗ lim siêu sang ở Huế đang dần hoàn thiện nhưng đã xuất hiện những vết nứt trên ván sàn gỗ lim khiến dư luận lo lắng về chất lượng gỗ. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc! 

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) KOICA, công trình cầu đi bộ lát gỗ lim nằm dự án dự án thí điểm của dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ. Cơ quan tư vấn thiết kế lập quy hoạch và dự án thí điểm là Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc.

Theo đó, trong quy mô tóm tắt dự án “Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế” có cầu đi bộ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng và các hạng mục khác.

Thông tin BQLDA KOICA cung cấp, tổng kinh phí thực hiện dự án là 52,9 tỷ đồng, chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2.

Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý (ngâm hóa chất, sấy...) và gia công, lắp dựng.

Theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, nguồn gốc gỗ lim là nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Đọc thêm: Cầu đi bộ lát gỗ lim gây tranh cãi ở Huế: Mặt ván sàn xuất hiện vết rạn nứt

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn