Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân từ ngày 20/10 và sẽ kết thúc vào ngày 10/11.
Theo đó, dự thảo nêu kết quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, đồng thời xây dựng tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, Văn kiện Đại hội XIII cần phải làm rõ các tiêu chí về đời sống của người dân vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
- Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII lần này có những điểm gì đáng chú ý so với văn kiện các đại hội trước, thưa ông?
Tôi cho rằng, điểm rõ nét đầu tiên trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII lần này là có tính tổng kết rất cao. Năm nay, chúng ta đang thực hiện tổng kết 35 năm chính sách Đổi mới (năm 1986) và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, được bổ sung và phát triển năm 2011.
Đồng thời đây cũng là dịp đất nước tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, trong đó chúng ta nhìn nhận nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn của quá trình đổi mới và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Điểm chú ý thứ hai, Văn kiện Đại hội XIII không chỉ là bản tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (2016-2021) thông thường, mà còn đặt ra các vấn đề lớn của 10 năm tới, hướng tới chiến lược phát triển đất nước đến 2030 và tầm nhìn 2045.
Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần chú ý về mặt tư duy, tầm nhìn chiến lược dài hạn của sự phát triển đất nước, đồng thời phải chú ý đến những vấn đề cấp thiết hiện nay của đất nước. Đó là câu chuyện phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo mức sống và nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời phải quyết tâm tăng thu nhập của người dân trong thời gian tới.
Như vậy, chúng ta cần giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa mục tiêu cụ thể trước mắt với mục tiêu chiến lược lâu dài. Và nếu chúng ta có hướng đi phù hợp, sẽ thể hiện tốt tầm vóc to lớn và ý nghĩa sâu sắc của kỳ Đại hội Đảng lần này.
Nói tóm lại, Đại hội XIII sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Với tầm nhìn đến 2026, Việt Nam sẽ đạt được các chỉ số cụ thể trong 5 năm tới.
- Đời sống của người dân vào thời điểm năm 2045 - thời điểm 100 năm thành lập nước, cần phải làm rõ thế nào trong dự thảo Văn kiện?
Tôi cho rằng, GDP của nước ta năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.750 USD. Tuy chúng ta đã có bước phát triển mạnh mẽ qua 35 năm đổi mới, song vẫn ở mức thu nhập trung bình thấp của thế giới.
Trải qua 35 năm Đổi mới, dân số tăng gấp hai lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 10 lần. Với điểm xuất phát quá thấp, lại trải qua nhiều thách thức, đạt được mức như vậy là sự cố gắng phi thường. Ðó sẽ là bệ đỡ để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh hơn trong chặng đường tiếp theo.
Tư tưởng chỉ đạo trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” và cũng là mục tiêu trong văn kiện trình Ðại hội XIII là: Đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo tôi, đó là mục tiêu rất cao đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Về thực tiễn và lý luận cần làm rõ tiêu chí của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và nước phát triển. Ðến năm 2030 có thu nhập trung bình cao nghĩa là thu nhập trung bình phải đạt khoảng 30.000 USD, gấp 10 lần hiện nay. Ðến năm 2045 có thu nhập cao nghĩa là hơn 40.000 USD/người/năm.
Tôi cho rằng ở đây có 2 khái niệm mà dự thảo Văn kiện cần làm rõ về tiêu chí để trở thành “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” tới năm 2030, đồng thời các tiêu chí của nước phát triển, có thu nhập cao theo kế hoạch đến năm 2045.
Nhìn chung, hướng chủ đạo của đất nước ta trong thời gian tới vẫn là sớm trở thành nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh giữa thế kỷ XXI, theo đúng tinh thần của Cương lĩnh năm 2011 đã nêu.
Hướng chủ đạo của đất nước ta trong thời gian tới vẫn là sớm trở thành nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh giữa thế kỷ XXI.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc
- Để người dân thực sự hạnh phúc thì cần có chính sách thế nào, thưa ông?
Theo tôi, nước phát triển không chỉ có chỉ số cao về kinh tế, mà còn phát triển cả đời sống xã hội, có cấu trúc, mô hình và quản lý xã hội tiên tiến. Ngoài ra các mặt như văn hóa, giáo dục cũng tăng trưởng tương xứng.
Trước đây chúng ta đã đưa ra 7 tiêu chí về chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới. Đó là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Hướng đến năm 2045, chúng ta cũng cần hoạch định cụ thể chiến lược con người theo tiêu chuẩn chung của thế giới – Chỉ số phát triển con người (HDI).
Trong đó cần xét đến các yếu tố về tuổi thọ, thu nhập, học vấn…Chắc chắn đến năm 2045, người Việt sẽ hướng tới sự phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất.
Vừa rồi, Đảng bộ tỉnh Yên Bái cũng có nêu ra 3 tiêu chí về hạnh phúc và đặt mục tiêu xây dựng các chỉ số này trong nhiệm kỳ 2021-2026. Đó là điểm rất đáng mừng.
Bên cạnh đó, các vấn đề an toàn giao thông, môi trường xã hội cũng nằm trong chỉ số hạnh phúc của con người. Cụ thể môi trường phải được đảm bảo, công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai hay vấn đề an toàn giao thông phải được chăm lo. Tất cả những tiêu chí đó sẽ định hình nên một xã hội phát triển, đảm bảo hạnh phúc cho người dân trong tương lai.
- Những điều ông vừa nêu trên được thể hiện trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII chưa, thưa ông?
Trong văn kiện Đại hội XIII có nêu khái quát các chỉ tiêu này, tuy nhiên khi hoạch định chính sách và pháp luật, các chỉ tiêu này cần được cụ thể hóa. Tôi cho rằng, nếu chỉ nhắc lại một cách chung chung, sẽ rất khó để phấn đấu và hoàn thành.
Ví dụ, trong văn kiện lần này nêu rõ đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy “công nghiệp theo hướng hiện đại” cần đạt được những mục tiêu cụ thể gì, chúng ta cần phải làm rõ chỉ tiêu này. Theo tôi, chính sách hoạch định càng rõ ràng, cụ thể thì sẽ thuận lợi cho việc thực hiện và hoàn thành mục tiêu.
- Các chỉ tiêu cho 5 năm tới được nêu trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có phù hợp với thực tế không?
Theo tôi, chỉ tiêu cho 5 năm tới sẽ bám chắc các mục tiêu chiến lược và phát triển vĩ mô đã được nêu ra trước đó. Trong các mục tiêu chiến lược này sẽ bao gồm các mục tiêu kinh tế (như cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh, …).
Tất cả các vấn đề trên đã được nêu đầy đủ trong Báo cáo phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2021 và kế hoạch 5 năm sắp tới.
Tôi cho rằng, những chỉ tiêu đưa ra trong 5 năm tới là rất sát với thực tế và hoàn toàn có thể đạt được trong thời gian tới. Bởi vì, những thành tựu đất nước đạt được trong những năm qua sẽ tạo bệ phóng và nền tảng thúc đẩy thuận lợi cho giai đoạn 5 năm tới.
Chúng ta đang xây dựng chỉ tiêu dựa trên cơ sở thực tiễn, đồng thời tránh việc đưa vấn đề một cách viển vông.
Quả đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay”.
Trong điều kiện thuận lợi của đất nước (dân số gần 100 triệu người, độ tuổi vàng của dân số, áp dụng rộng rãi khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế sâu rộng,…), tôi tin rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành tốt và về đích theo như dự kiến trong giai đoạn sắp tới, theo các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra.
- Dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân Việt Nam trong 5 năm tới và có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu của Việt Nam vào năm 2045 – dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước không?
Chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đáng kể. Trước mắt chúng ta thấy ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống, an toàn sức khỏe người dân. COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của chúng ta.
Tuy nhiên, khác với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh, nên hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Theo đó, đến năm 2021 chỉ số tăng trưởng kinh tế GDP của chúng ta có thể trên 6 %. Điều đó có thể đạt được nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Theo tôi, Việt Nam có thể đi nhanh hơn, nếu năng động và sáng tạo hơn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong năm cuối cùng của Đại hội XII, nếu không vì dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và sẽ góp phần vượt chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2016-2021.
Tuy nhiên, Chính phủ, các Bộ, ban ngành phải thực sự nghiêm túc trong quản lý, chỉ đạo để kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội.
Chúng ta cần nhận thức rằng, dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 và có thể kéo dài 1-2 năm nữa. Tuy nhiên, hiện nay một trong những nguy cơ của loài người là dịch bệnh (như SARS, Ebola,…). Do đó những nhà hoạch định chính sách phải luôn có biện pháp dự phòng và phương án ứng phó trong tương lai.
Liên hiệp quốc năm 2000 đã đưa ra 8 mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có việc đẩy lùi dịch bệnh. Từ nay đến 2045 rõ ràng mục tiêu đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện trên toàn cầu.
Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ không ở ngoài cuộc chiến đó, nhằm tạo điều kiện tốt cho ổn định, phát triển xã hội đến năm 2045. Các mối nguy cơ trước mắt và lâu dài có thể tác động đến đời sống của người Việt. Do đó chúng ta cần chú trọng bảo vệ người dân trước các tác động này.
Ngoài ra, tôi cho rằng, chúng ta không chỉ quan tâm đến lương thực phẩm hay các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, mà còn các yếu tố khác như an toàn xã hội, an ninh trật tự, văn hóa xã hội.
- Văn kiện Đại hội lần này không chỉ nêu việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, mà còn mở rộng ra toàn hệ thống chính trị, thưa ông?
Tôi cho rằng cái cốt lõi vẫn là xây dựng Đảng, bởi vì Đảng ta là đảng cầm quyền và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.
Với tư cách là Đảng cầm quyền, tất nhiên, sẽ lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị. Cho nên việc xây dựng chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị (bao gồm Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội hợp thành).
Theo đó, quan niệm về hoàn thiện hệ thống chính trị gắn với xây dựng Đảng đã được định hình từ trước, không phải bây giờ chúng ta mới xác định. Trong Đại hội khóa XI và XII, trong các nghị quyết cũng đã nêu về việc hoàn thiện hệ thống chính trị.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, công tác xây dựng Đảng vẫn là then chốt. Và trong đó, công tác cán bộ là quan trọng nhất. Tất nhiên không chỉ có cán bộ của Đảng, mà còn có cán bộ của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Và trọng tâm là hướng vào cán bộ cấp chiến lược.
Tôi cho rằng, nếu chỉ chăm lo xây dựng Đảng thì không đầy đủ và không toàn diện theo nghĩa đảng cầm quyền. Bởi vì vấn đề xây dựng Nhà nước, Mặt trận các đoàn thể chính trị xã hội phải dần hoàn thiện tốt, từ đó mới nâng cao và phát huy cao nhất vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
- Bản thân ông có góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII thế nào?
Về góp ý cho dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần này, tôi có một số đóng góp về vai trò của Ðảng cầm quyền trước yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Theo tôi, Ðảng cầm quyền chú trọng chiến lược an ninh quốc gia, an ninh truyền thống, đồng thời xây dựng chiến lược, chính sách bảo đảm an ninh phi truyền thống. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai; bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường; bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh.
Cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 và chống thiên tai, bảo vệ môi trường vừa qua cho thấy an ninh phi truyền thống có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng luôn luôn là vấn đề then chốt bảo đảm cho đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng Ðảng, bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng. Nắm vững và thực hiện đúng đắn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng.
Hiện nay, Ðảng nhấn mạnh quan điểm: Xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Kiên quyết chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí, cơ hội chính trị, chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực khác. Chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng thời làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận