Cấp “chứng chỉ dimsum” cho du khách
Năm 2013, tôi có dịp được sang Hong Kong 4 ngày. Với một đặc khu có diện tích chỉ 2754 km2, tức là chưa bằng thủ đô Hà Nội, tôi đã nghĩ chắc cũng chỉ mất 2 ngày để đi hết Hong Kong.
Nhưng trở về sau khi đã đến một cơ số điểm du lịch, từ Lan Quế Phường, Victoria Habour, Hong Kong Disneyland… và nhiều điểm khác, tôi vẫn chưa đi hết Hong Kong.
Sau chuyến đi đó, Hong Kong trong tôi đọng lại 3 cảm xúc. Thứ nhất, Hong Kong nhiều nhà chọc trời; Thứ hai: Hong Kong Disneyland quá tuyệt; Thứ 3, ẩm thực Hong Kong mà nhất là dimsum thì khó nơi nào có thể sánh được.
Tôi yêu cái lý do thứ ba nhất, bởi đó là một trải nghiệm tuyệt vời và tôi còn mang được cái trải nghiệm đó về nhà, với một chứng chỉ đã qua khóa học làm dimsum ở xứ đảo thơm.
Buổi sáng hôm đó, chị Liu Xian – hướng dẫn của đoàn đưa chúng tới một con ngõ nhỏ, tham dự lớp học làm bánh ở một căn gác. Lớp học sạch sẽ, thoáng đãng, mỗi khách được phát đủ đồ nghề, từ cái tạp dề đến găng tay, được nhào nhân, tạo hình bánh từ đơn giản như túm lá lại, khum mấy cái trên miệng tạo hình hoa, đến khó hơn là làm con cá vàng đầy đủ vây, mắt, hoặc là con thỏ có hai cái tai dài ngộ nghĩnh. Xong rồi hấp. Riêng đến đoạn này thì cũng đã đến giờ trưa, thầy dạy bảo chúng tôi cứ bỏ cả vào xửng, rồi thầy hấp cho.
Bữa trưa hôm đó, trong thực đơn có ghi món dimsum. Đến khi người phục vụ đem đến cho chúng tôi mỗi người một kệ dimsum, cả nhóm không khỏi ngạc nhiên, khi nhìn thấy những “sản phẩm” mình làm ra được hấp trên xửng, bốc hơi nghi ngút. Những sản phẩm thô mộc đó của chúng tôi được trân trọng bày trên kệ, chuẩn xác đến mức cô em út trong đoàn phải thốt lên: “Ôi con thỏ thiếu một tai của em, sao thầy không nặn cho nó thêm cái tai nữa chứ?”. Khỏi nói, ai cũng thích thú đến thế nào.
Sau bữa ăn, trước khi rời bàn, chúng tôi được chính anh đầu bếp đã dạy làm dimsum trao bằng chứng nhận “đã qua lớp học làm dimsum” bằng tiếng Anh. Và cho đến bây giờ tôi dám chắc tất cả những người trong đoàn khách đó đều vẫn còn giữ cái chứng chỉ được ép plastic trang trọng đó, như một kỷ niệm Hong Kong đẹp nhất, hay ho nhất mà họ có.
Dạy khách làm đèn, đan nón, nấu rượu…
Câu chuyện cấp chứng chỉ dimsum cho du khách ở Hong Kong cũng phần nào giống với những lớp học làm đèn lồng, đan nón lá ở InterContinental Danang Sun Peninsula Resort - khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới 3 năm liền. Ở đó, du khách được nghệ nhân lành nghề hướng dẫn từng bước tỉ mỉ, phết hồ ra sao, đan nón thế nào, kết hợp màu lồng đèn như thế nào… và họ trả tiền để được xem cái cách người Việt làm ra những sản phẩm địa phương, được trải nghiệm cuộc sống của một người làm nghề truyền thống. Thú vị hơn thế nữa là được mang chính sản phẩm tự tay mình làm ra về nhà, như một minh chứng cho việc đã từng đặt chân đến Đà Nẵng, Hội An, đến Việt Nam.
Tôi đã chứng kiến những doanh nhân mà thời gian với họ là vàng đúng nghĩa tự tay ngồi khâu từng đường kim trên chiếc nón lá, thích thú mang sản phẩm đặc trưng cho nền văn hóa Việt đó về nước. Sự háo hức, miệt mài của “học viên” khiến tôi chợt nghĩ, có hay không một sự bỏ quên khai thác những đặc trưng văn hóa Việt trong nhiều sản phẩm du lịch của chúng ta?
Tôi cũng đã được tham dự một lễ hội đậm sắc màu văn hóa vùng cao Tây Bắc được khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức hồi Tết Đinh Dậu 2017. Ở đó, du khách được “tắm trong văn hóa dân tộc” thật sự, khi họ đưa bước chân theo những điệu khèn tiếng hát người Tây Bắc, đi trong hoa rừng, say với rượu cần, tấm tắc khen thắng cố, thịt trâu gác bếp… đậm hương vị đại ngàn. Ở đó, tôi hiểu được một điều rất đơn giản, khi gắn với văn hóa bản địa, một khu du lịch hiện đại như Sun World Fansipan Legend đã trở thành một nét đặc trưng riêng có của Lào Cai.
Sau lễ hội đó, Sun World Fansipan Legend còn có Lễ hội hoa đỗ quyên, Lễ hội rượu và văn hóa ẩm thực Tây Bắc, nơi du khách được tự tay làm bánh dày, nấu rượu theo đúng quy trình dân tộc. Nghe đâu tháng 12 này có Lễ hội mùa đông - Thiên đường tuyết rơi. 9 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt: có 3 triệu lượt khách tới Lào Cai, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2016; đưa tổng doanh thu du lịch 9 tháng đạt trên 7. 900 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Những tỷ lệ tăng trưởng ngoạn mục này không thể nói là không có phần đóng góp của những khu du lịch mới như Sun World Fansipan Legend.
Và cũng từ cách làm du lịch của Sun World Fansipan Legend, của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, thấy rõ văn hóa bản địa, nếu biết cách khai thác, lồng ghép trong làm du lịch, sẽ tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, “chất đến phút cuối cùng”.
Bình luận