• Zalo

Vân Dung: 8 lần thi không được bằng A tiếng Anh

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 20/06/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cuộc sống của người nghệ sỹ chật vật, Vân Dung ao ước đi làm thư ký, cô quyết tâm học và thi, nhưng đến 8 lần vẫn không có bằng A tiếng Anh.

(VTC News) - Cuộc sống của người nghệ sỹ chật vật, Vân Dung ao ước đi làm thư ký, cô quyết tâm học và thi, nhưng đến 8 lần vẫn không có bằng A tiếng Anh.

Học, thi 8 lần không được bằng A tiếng Anh

Cuộc sống chật vật của ngành sân khấu suốt một thời kỳ dài đã khiến không ít người ngậm ngùi từ bỏ ước mơ, ngược xuôi tìm kiếm một công việc khác để vợi bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Nghệ sỹ Vân Dung nói chị từng cháy bỏng đam mê đến thế, từng khao khát và mộng ước từ thuở còn thơ đến thế, mà có những lúc cái bản chất yếu đuối của một người đàn bà vẫn làm chị nản lòng đến mức muốn bỏ nghề.
vân dung
Nghệ sỹ Vân Dung từng ao ước làm thư ký - Ảnh: Nhạc Dương
Nhiều khi chị tự hỏi, nếu từ bỏ ánh đèn sân khấu, mình sẽ bắt đầu từ đâu và bắt đầu bằng cái gì. Không ngờ nghề đầu tiên chị ao ước nếu từ bỏ nghiệp diễn lại là công việc làm thư ký. Bởi chị chỉ nghĩ đơn giản: ‘Tính mình thích đi đây đi đó, mà làm thư ký là được đi, sếp đi đâu mình đi đó. Tính mình lại quảng giao, nên được đi ngoại giao, được gặp người nọ người kia thì thích lắm, ngày đó còn ngây thơ mà’.

Nhưng sau này chị mới nhận ra nghề diễn viên mới là nghề đi nhiều, mới là nghề đi khắp mọi miền của đất nước, và đi nhiều nước trên thế giới. Khi còn sống trong khó khăn Vân Dung đã luôn nhìn cuộc sống màu hồng như vậy, chưa khi nào chị bi quan vào cuộc sống.

Lúc đầu Vân Dung cũng suy nghĩ ghê lắm: ‘Ôi! một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, bật cái máy tính không biết bật, tắt không biết tắt thì ai thuê mình làm thư ký, không lẽ người ta thuê mình đừng làm cây cảnh?’. Nhưng rồi chị lại tự an ủi, có khi may hơn khôn, biết đâu người ta vẫn thuê mình thì sao?

Vậy là Vân Dung lên kế hoạch đi học tiếng Anh, chị quyết tâm đi học môn ngoại ngữ này đến lần thứ 8 thì buông tay, bỏ ước mơ làm nghề mà chị cứ ngây thơ nghĩ sẽ được đi đây đi đó này.

‘Không hiểu sao mình đi học đến 8 lần, mỗi một lần đi đều lấy đà rất kỹ rồi, thế mà cứ đến nơi nghe cô giáo giảng là mặt lại ‘đần thối’ ra, rất chăm chỉ mà cả 8 lần đều không được cái bằng A tiếng Anh, đến giờ một chữ bẻ đôi không biết’.

Cuối cùng Vân Dung nhận ra rằng, đơn giả bởi đó không phải niềm đam mê của chị.
Vân Dung học, thi 8 lần không được bằng A tiếng Anh
Trong suốt những năm tháng sau đó chị luôn nghĩ rằng, hãy làm cái gì mình thích, đừng cố làm cái gì mà mình không thích, bởi cái gì mình không thích mình sẽ không làm được đến nơi đến chốn và không thành công được.

‘Vân Dung nhận ra rằng, lòng quyết tâm mà không có đam mê không đủ, lòng quyết tâm phải có đam mê thì mới đi được đến đích, nên hãy làm những gì mình thích, dù cực khó hay cực đơn giản, kiểu gì cũng thành công.’

‘Đổi đời’ nhờ Gặp nhau cuối tuần

Ngoài phút ‘yếu lòng’ nghĩ đến việc đi làm thư ký, Vân Dung tâm sự, chị đã đi qua những năm tháng chật vật nhất của nghề bởi lòng đam mê và cá tính không bao giờ từ bỏ của mình.

Chị nghĩ đó là thời kỳ cả đất nước khó khăn chung, ngành nghề nào cũng chật vật chứ không riêng gì ngành sân khấu, nên cứ cố bám trụ sống chết với nghề.

Thêm nữa, Vân Dung hưởng một nền giáo dục có phần ‘hà khắc’ từ phía gia đình, đó là sự độc lập quyết đoán từ nhỏ, đã làm cái gì là làm đến nơi đến chốn, quyết tâm là phải làm được. Thế nên dù mẹ chị có nói muốn chị dừng lại, nhưng từ trong thâm tâm của bà, chỉ là muốn chỉ chọn con đường dễ đi và ít chông gai hơn, còn đã theo đuổi nghệ thuật thì phải đi đến tận cùng.

Gia đình Vân Dung vốn có truyền thống nghệ thuật, nên bố mẹ không bao giờ từ chối tất cả những gì gọi là đam mê của con cái. Họ không cho Vân Dung tiền, không cho quần áo, vật chất mà cho chị niềm tin và luôn đứng sau như một điểm tựa.

Và cuối cùng thì dấu mốc lớn nhất trong nghề của danh hài đất Bắc cũng đến, từ cơ hội xuất hiện trong chương trình Gặp nhau cuối tuần đình đám:

Năm 2000 sân chơi Gặp nhau cuối tuần ra đời, đánh dấu mốc quan trọng của nền hài kịch Việt Nam và sự nhìn nhận của công chúng đối với các nghệ sỹ hài nói riêng. Không riêng gì Vân Dung, mà với tất cả các nghệ sỹ hài đó đều là sân chơi rất ấn tượng, giúp thay đổi cuộc đời làm nghề của mỗi người’.

Với Vân Dung, chị tìm thấy một gia đình mới cho mình ở sân chơi Gặp nhau cuối tuần, mà ở gia đình ấy, mỗi người nghệ sỹ là một thành viên không thể tách rời.

Những người nghệ sỹ hài chật vật suốt cả một thời kỳ dài đến với nhau, yêu thương nhau và chia sẻ về những năm tháng làm nghề không giàu có, nhưng đầy lửa nhiệt huyết và sôi nổi.
vân dung
Vân Dung trên sân khấu Gặp nhau cuối tuần 
Họ như những mắt xích quan trọng, người tung kẻ hứng, hiểu nhau đến tường tận trên sân khấu, và ngay cả bên ngoài cuộc sống, họ cũng gắn bó như những người thân: ‘Gặp nhau cuối tuần không chỉ cho chúng tôi tiền bạc, sự yêu thương, mà còn cho cả một gia đình, một gia đình chung.’

Không quá khi nói Gặp nhau cuối tuần đã giúp nhiều nghệ sỹ hài, trong đó có Vân Dung ‘đổi đời’, hình ảnh của họ đến gần hơn với khán giả, đời sống người nghệ sỹ cũng vì thế mà bớt chật vật hơn.  Người nghệ sỹ bớt nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, họ thấy hạnh phúc say sưa với nghề, họ tìm thấy chính mình khi thăng hoa trên sân khấu.

Vân Dung nói chị đi diễn 1000 đêm chưa đêm nào mất lửa, kể cả lúc ốm, lúc sốt, hay lúc gặp chuyện buồn đau nhất của bản thân.

Với chị, người diễn viên diễn trên sân khấu mà thành thợ, không bao giờ giỏi được, một diễn viên bước chân ra sân khấu mà vẫn hồi hộp, vẫn lo lắng, dù diễn một nghìn đêm vẫn hồi hộp họ mới thành công được. Vì khi thành thợ, nghĩa là họ đã mất lửa đam mê.

Còn nữa…

An Yên

Bình luận