Cổ phiếu chạm “đáy” lần 2
Không dưới 1 năm, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản khổng lồ không ngừng nảy nở.
Tài sản của bầu Đức được chú ý kể từ khi cổ phiếu HAG niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM. HAG chào sàn vào ngày 22/12/2008 với sự đón nhận nồng nhiệt của nhà đầu tư vì thời điểm đó, bầu Đức là một trong những cái tên nóng nhất trong làng bóng đá Việt Nam. Sau 7 phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Tp.HCM, HAG đã tăng 32% lên 63.000 đồng/CP.
Thương hiệu bầu Đức cùng với những khoản lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai luôn khiến cổ phiếu HAG thường xuyên nằm trong danh sách quan tâm, thậm chí là danh mục của nhiều nhà đầu tư.
Như vậy, sau 3 năm lên sàn, HAG đã rớt từ “đỉnh vinh quang” xuống “đáy”. Mức “đáy” 11.900 đồng/CP tưởng như quá thấp, không thể lặp lại với một doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai. Thế nhưng, vào ngày 1/12/2015, giá cổ phiếu HAG chỉ còn cách “đáy” đúng 100 đồng/CP.
Sang ngày 2/12, mức “đáy” này hoàn toàn có nguy cơ bị xuyên thủng để giá HAG có thêm kỷ lục mới. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai đã “cứu giá” cổ phiếu bằng cách tung ra thông tin chưa từng có trong tiền lệ. Đó là trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) – công ty con của HAG.
Thông tin này khiến dư luận xôn xao. Giới đầu tư đổ xô vào gom cổ phiếu HAG giúp HAG tăng mạnh sau chuỗi 18 phiên chỉ biết giảm hoặc đứng giá.
Tài sản rớt giá thê thảm
Tính từ đầu năm tới nay, HAG đã giảm 10.100 đồng/CP, tương ứng 45,7% so với cuối năm 2014 xuống 12.000 đồng/CP. Diễn biến kém tích cực của HAG khiến vốn hóa thị trường và tài sản của bầu Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau gần 1 năm, vốn hóa thị trường Hoàng Anh Gia Lai “bốc hơi” 7.979 tỷ đồng xuống chỉ còn 9.952,73 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với vốn hóa thị trường 21.740,02 tỷ đồng của công ty con HNG. Túi tiền của bầu Đức cũng vơi đi đáng kể. Khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức giảm 3.478 tỷ đồng xuống chỉ còn 4.380 tỷ đồng.
Chính vì vậy, ngay cả khi tài sản tuột dốc, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vẫn dễ dàng vượt qua bầu Đức để trở thành người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện bầu Đức đã rớt xuống vị trí thứ 3.
Với khoảng cách chỉ còn 470 tỷ đồng, bầu Đức hoàn toàn có khả năng bị bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đẩy xuống vị trí thứ 4. Hiện bà Hương đang nắm giữ khối tài sản lên tới 3.911 tỷ đồng trong khi cổ phiếu VIC có nhiều tiềm năng tăng giá.
Ổn định tài chính để “cứu” mình
Cổ phiếu HAG không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư vì nhà đầu tư lo ngại các khoản nợ khủng của Tập đoàn. Có lẽ, để nhà đầu tư có cái nhìn thiện cảm hơn với tình hình tài chính của mình, đầu tháng 12, Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua kế hoạch hoạt động tài chính của công ty mẹ và công ty con.
Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ rà soát lại hiệu quả sử dụng vốn đối với tất cả các khoản vay, từ đó làm việc với các trái chủ, các tổ chức tín dụng để đưa ra phương án tái cấu trúc kỳ hạn vay phù hợp nhằm đảm bảo tính chủ động trong quản lý dòng tiền.
Còn với công ty con HNG, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, cuối quý 3, HNG nợ lên tới 7.274 tỷ đồng. HAG yêu cầu HNG rà soát tất cả các nguồn vay đang sử dụng để đảm bảo số dư các khoản vay nợ trong tương lai không được vượt quá 7.500 tỷ đồng.
Bên cạnh việc ổn định tài chính (cụ thể ổn định các nguồn nợ vay), Hoàng Anh Gia Lai còn nỗ lực bán tài sản. Công ty của bầu Đức tiếp tục đẩy mạnh làm việc với đối tác để bán 50% cổ phần vốn góp tại Hoàng Anh Gia Lai Myanmar.
Bảo Linh
Bình luận