Vai trò của dữ liệu trong kiến tạo, quản trị và vận hành nội dung số

Chuyển đổi sốThứ Hai, 25/12/2023 14:01:00 +07:00
(VTC News) -

Cùng với quá trình số hóa toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, môi trường số phát triển mạnh mẽ thời gian qua tạo nên không gian vô tận với nguồn dữ liệu số khổng lồ.

Mối liên hệ mật thiết giữa dữ liệu số và nội dung số

Công nghiệp nội dung số xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1990, tuy nhiên phải đến những năm gần đây khi quá trình kết nối toàn cầu diễn ra mạnh mẽ cùng những thành tựu của khoa học công nghệ hội nhập vào Việt Nam, lĩnh vực này mới có sự bùng nổ.

Nội dung số hiện đang tập trung xung quanh các lĩnh vực như: Phát triển nội dung số cho Internet (cổng thông tin điện tử, dịch vụ e-mail, dịch vụ tìm kiếm trên Internet…); Phát triển nội dung số cho mạng điện thoại di động; Giáo dục điện tử trực tuyến E-learning (đào tạo trực tuyến, tư vấn, tra cứu thông tin qua mạng, cung cấp chương trình học tập, giáo trình, bài giảng, thí nghiệm ảo…); Trò chơi điện tử; Cơ sở dữ liệu (văn bản pháp quy, số liệu thống kê, dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu doanh nghiệp…) và những nội dung số phục vụ giải trí (truyền hình kỹ thuật số, sản phẩm đa phương tiện số…).

Có thể nói, chưa bao giờ người dân lại được tiếp cận một môi trường số với lượng dữ liệu và nội dung số khổng lồ như hiện nay, có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực, phục vụ đa dạng nhu cầu của mọi đối tượng…

Cùng với những định hướng của Chính phủ và cơ quan chức năng, các nội dung số được phát triển mạnh mẽ, mang những đặc trưng riêng của nền văn hóa xã hội, đồng thời tiếp nhận tự nhiên các xu thế mới trên thế giới.

Đặc biệt là sự bùng nổ của nội dung số trên điện thoại di động cũng tác động tới nhiều lĩnh vực như viễn thông, công nghệ không dây hướng tới việc cung cấp cho người dùng các dịch vụ về điện thoại, truyền hình, truyền dữ liệu. Đây sẽ tiếp tục là xu hướng bùng nổ trong nhiều năm tới.

Dữ liệu số là một yếu tố quan trọng để phát triển nội dung số. (Ảnh minh họa)

Dữ liệu số là một yếu tố quan trọng để phát triển nội dung số. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam, với mức doanh thu ghi nhận đến 800 triệu USD năm 2022. Hiện, Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp và hơn 70.000 lao động hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số.

Các đơn vị đặt “viên gạch” nền móng cho ngành công nghiệp này là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Công ty cổ phần VNG, Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp)...

Cũng theo số liệu thống kê năm 2022, trong lĩnh vực nội dung số, 4 doanh nghiệp có doanh thu hơn 6.117 tỷ đồng, tỷ lệ giá trị nội địa là 80,3%. 23 doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin với tổng doanh thu hơn 9.101 tỷ đồng, tỷ lệ giá trị nội địa là 96,2%.

Cơ hội để các doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam phát triển đang vô cùng tiềm năng. Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam đã có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số. Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, tương đương với 164% tổng dân số, tăng 4,7 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% người trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với người dùng một cách dễ dàng hơn. Tại Việt Nam, có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng Youtube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng Tik Tok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.

Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2025 sẽ có 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc, từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 sẽ hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Điều đó cho thấy, Chính phủ đặc biệt coi trọng vai trò của dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia, không chỉ để kiến tạo Chính phủ điện tử mà còn phục vụ cho đời sống kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân trong thời đại mới, bao gồm cả những lĩnh vực nội dung số.

Tại Hội thảo “Khai mở tiềm năng dữ liệu số - Từ tầm nhìn đến thực thi” tổ chức ngày 7/10 do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT chia sẻ, Việt Nam triển khai phát triển Chính phủ điện tử từ năm 2000.

Đến năm 2020, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số, đánh dấu bằng Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột rõ ràng gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Qua 23 năm phát triển với nhiều thay đổi nhưng dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu được chú trọng xây dựng và phát triển. Đặc biệt, trong chuyển đổi số, dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận về vai trò rõ nét hơn. Vì vậy, Việt Nam chọn năm 2023 là năm chuyển đổi số quốc gia, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện về chuyển đổi số.

Năm 2023 cũng được lựa chọn là năm về dữ liệu số. Theo Bộ TT&TT, đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.

Dữ liệu số và nội dung số là những vấn đề có liên hệ mật thiết với nhau, thúc đẩy sự phát triển của nhau và cùng hướng tới việc phục vụ nhu cầu của người dân trên môi trường số.

Thời gian qua, không chỉ trên thế giới mà cả tại Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ về các nội dung số cũng như khả năng tiếp cận, sáng tạo các nội dung số của người dân, đồng thời đặt ra những bài toán về việc vận hành, quản lý các nội dung này trong bối cảnh mới.

Tại Việt Nam, một lợi thế quan trọng để chúng ta phát triển nội dung số là đội ngũ nhân lực trẻ, có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và có tính sáng tạo cao. Sức mạnh của công nghệ, của yếu tố con người và điều kiện thuận lợi từ cơ chế, chính sách đang mở ra những cơ hội mới cho lĩnh vực phát triển nội dung số tại Việt Nam. Tuy nhiên thực tế, để thực sự nắm bắt được cơ hội đó, doanh nghiệp Việt cũng phải đối diện với không ít những khó khăn, thử thách….

Thách thức trong quản trị dữ liệu và vận hành nội dung số

Trong kỷ nguyên số, tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp không chỉ bao gồm tài sản hữu hình như tiền, nhà máy, xí nghiệp, dây chuyền sản xuất… mà còn bao gồm một loại tài sản đặc biệt đó chính là tài sản số, là dữ liệu số. Đây là một loại tài sản rất khó để quản lý, bảo vệ và kiểm chứng xem nó có bị đánh cắp và xâm phạm hay không. Vấn đề bảo vệ dữ liệu cũng là một trong những thách thức lớn của ngành nội dung số những năm vừa qua.

Theo số liệu của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), trong khi số người tiêu thụ nội dung số tăng thì số người dùng trái phép nội dung vi phạm bản quyền cũng tăng. VDCA ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành video hợp pháp. Đến năm 2027, con số này có thể tăng đến hơn 19 triệu, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

Công nghiệp nội dung số là ngành giao thoa giữa 3 nhóm ngành: Công nghệ thông tin, viễn thông và sản xuất nội dung. Trong đó, công nghiệp nội dung số gồm nhiều lĩnh vực như: Tra cứu thông tin, dữ liệu số, nội dung giáo dục trực tuyến, phát triển nội dung cho mạng di động, giải trí số, thương mại điện tử… Điều này cho thấy mối quan hệ, tác động qua lại giữ nội dung số và dữ liệu số, cùng hỗ trợ nhau để phát triển.

Mạng Internet là không biên giới, tuy nhiên tại từng quốc gia, khu vực, với những đặc thù khác nhau lại đặt ra những yêu cầu về bài toán quản lý khác nhau. Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã liên tục tạo ra những điều kiện để ngành nội dung số được phát triển, phát huy được tiềm năng lớn của trí tuệ và nguồn nhân lực Việt.

Tuy nhiên, đi cùng với những thời cơ, thuận lợi thì những thách thức trong quản trị và vận hành nội dung số cũng đang rất lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải không ngừng đổi mới, bám sát sự phát triển của thị trường và có những định hướng mới kịp thời.

Dữ liệu số cũng là một loại tài sản đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nội dung số.

Dữ liệu số cũng là một loại tài sản đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nội dung số.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nội dung số trong nước đang bị "lép vế" so với các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức xuyên biên giới ngay trên "sân nhà". Nguyên nhân được chỉ ra là các chính sách quản lý đang áp dụng chưa theo kịp với sự phát triển mới, còn sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp "nội" và "ngoại".

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, tiềm năng của ngành nội dung số trong nước rất lớn nếu Nhà nước thiết lập chính sách để hấp dẫn các doanh nghiệp nội dung số quay trở lại phát triển chuyển đổi số trong nước.

Cụ thể, Nhà nước cần sớm xây dựng chính sách bình đẳng giữa các doanh nghiệp "nội" và "ngoại", như ở lĩnh vực thuế, các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam đều phải có nghĩa vụ nộp thuế. Với các dịch vụ mới như dịch vụ OTT (dịch vụ miễn phí trên mạng) cần phải quản lý nội dung, nhưng nên xem xét quản lý theo hình thức tiền kiểm hay hậu kiểm để phù hợp với sự phát triển và để người dân được thụ hưởng dịch vụ.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn