Thể loại phim hình sự vốn thu hút người xem bởi những tình tiết kịch tính, những cú twist kéo tới diễn biến cuối cùng. Hiện, VFC tung ra bộ phim hình sự có tên “Mặt nạ gương”. Ngay khi xuất hiện trailer, bộ phim trở thành chủ đề để khán giả bình luận, ngóng chờ. Không chỉ bởi tính chất của phim, “Mặt nạ gương” còn quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như NSƯT Hoàng Hải, diễn viên Ngọc Lan, Lương Thu Trang, Bảo Anh…
Chỉ mới chiếu tới tập 10 nhưng phản ứng của khán giả bao gồm cả ủng hộ hay trái chiều khiến bộ phim thu hút sự quan tâm.
Trò chuyện với Tiền Phong, biên kịch Vũ Liêm sẽ cho độc giả có cái nhìn toàn cảnh hơn về cách xây dựng câu chuyện và những tình tiết mà nhiều khán giả đang thắc mắc.
- Chào biên kịch Vũ Liêm, cơ duyên nào đưa anh đến với những đề tài về phim hình sự?
Năm 2008, tôi đã viết kịch bản “Hành trình bí ẩn” trong sê-ri Cảnh sát hình sự, bộ phim lên sóng và tôi thấy rất hứng thú, từ đó tôi chỉ viết về những đề tài hình sự, khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an, cuộc đấu tranh cái thiện cái ác.
Bản thân là chiến sĩ trong lực lượng hiện đang công tác tại Truyền hình Công an nhân dân, nên tôi có điều kiện tìm hiểu kỹ về các vụ án có thật thông qua những chương trình chuyên biệt như “Hành trình phá án”, "Giải mã tâm lý tội phạm”...
Qua đó, tôi đã thu hoạch những chất liệu để đưa vào kịch bản, tất nhiên trong giới hạn cho phép về nghiệp vụ chuyên ngành. Khi một tình tiết mà mình viết ra và giải mã được nó, cảm giác đó vô cùng thích thú. Đây là lợi thế và cũng là may mắn đối với tôi.
Trước khi viết kịch bản “Mặt nạ gương” lần này, nhiều người cũng khuyên tôi nên thử chuyển sang các đề tài đang thu hút khán giả, ví dụ như gia đình, nhưng có lẽ cái duyên trong nghề viết của tôi là chắp bút với những đề tài hình sự.
- Có điều gì đặc biệt ở cái tên “Mặt nạ gương” và câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ?
Ở một khía cạnh nào đó thì con người ta luôn nhìn thấy gương mặt của mình trên gương mặt người khác. Ta sẽ sống sao cho hợp mắt mọi người. Nó gắn với câu chuyện thẩm mỹ, biến khuôn mặt này thành khuôn mặt khác. Tuy nhiên kịch bản của tôi vốn dĩ không phải nói chuyên sâu về phẫu thuật thẩm mỹ, nó chỉ mang tính chất ẩn dụ.
Khi khán giả xem hết bộ phim, có lẽ họ sẽ hiểu tại sao tôi lại chọn phẫu thuật thẩm mỹ thay vì chọn một chuyên ngành khác. Bên cạnh việc ẩn dụ, nó còn là sự kết nối hợp lí xâu chuỗi các sự kiện trong phim.
- “Mặt nạ gương” là sê-ri tiếp nối của "Cảnh sát hình sự", quá trình tạo ra một kịch bản mới có tạo nhiều áp lực khi các bộ phim trước đều khá thành công?
Khi làm về phim hình sự, tôi cũng cần chắt lọc rất nhiều, cẩn thận hơn về nghiệp vụ của nghề, nhân sinh quan, phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Theo cá nhân tôi thì biên kịch cần viết sao cho khéo, để phù hợp với chuyên môn, đặc thù nghề khắc họa, có nội dung mang tính giáo dục, nhất là đối với giới trẻ.
Câu chuyện lần này tôi xây dựng từ bi kịch gia đình. Ở đây không phải cái xấu, đó là cái sai. Từ cái sai dẫn đến bi kịch, để cái ác lấn cái thiện. Và rồi tiếp đó là hành trình tìm hiểu, cố gắng sửa sai.
Làm phim hình sự có hai áp lực. Đầu tiên là lực lượng chức năng, họ nhìn phim và có đánh giá riêng về nghề. Khắc họa không đúng hoặc chưa chân thực về đồng nghiệp của mình, bản thân thấy có lỗi. Điều thứ hai tôi lo lắng về việc nội dung phim có thể ám thị tâm lý cho một bộ phận nào đó. Nếu ta đẩy yếu tố bạo lực hoặc biến dạng tâm lý quá mạnh, ngoài đời thực có sự song trùng ngẫu nhiên, ai đó sẽ bị ảnh hưởng, đó là điều tôi trăn trở.
Một diễn viên từ trước đến nay chưa từng đóng phim về đề tài hình sự chắc hẳn sẽ có phản ứng trái chiều, không thể có ai ngay lập tức hóa thân được mọi khán giả chấp nhận luôn cả. Tôi nghĩ Lương Thu Trang đã rất cố gắng thể hiện trọn vẹn tâm lý nhân vật.
Biên kịch Vũ Liêm
- Rất nhiều ý kiến cho rằng vụ án mở đầu "Mặt nạ gương" gợi nhớ tới vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường chấn động năm nào? Đây là chủ đích của anh hay chỉ là sự trùng hợp?
Tôi hoàn toàn không có ý định đó. Bởi tôi đã làm nhiều chương trình “Giải mã tâm lý tội phạm”, tôi luôn sợ người nhà nạn nhân sẽ bị tổn thương bởi phần nào gợi nhắc lại quá khứ đau buồn trong họ. Đây cũng là một câu chuyện mà tôi không tránh được, dù đã cố để làm câu chuyện khác hoàn toàn. Tuy nhiên có những chi tiết trùng hợp khiến khán giả và truyền thông tưởng rằng là câu chuyện năm xưa. Đây là điều mà tôi cảm thấy day dứt khi các tập đầu của phim lên sóng.
Tôi cũng có đọc qua những phản hồi, đa phần mọi người tập trung ở những chi tiết khó hiểu. Phải thú thật, dòng phim hình sự bao giờ cũng có đối tượng khán giả riêng. Khi người xem nhập tâm vào phim, họ chuẩn bị sẵn những kiến thức và hiểu biết trước đó. Với những khán giả xem phim hình sự nhiều, họ sẽ có đánh giá theo cách của họ. Theo ý kiến chủ quan của tôi là như vậy. Bản thân tôi cũng không cố làm rối rắm các chi tiết.
- Nhiều khán giả phản ứng khi nhân vật Hoa (Lương Thu Trang đóng) có vẻ như được cường điệu hóa khi can thiệp quá sâu vào quá trình phá án trong khi chỉ là nhà văn viết truyện trinh thám, anh nghĩ sao về điều này?
Với tôi, mọi điều nhân vật Hoa (Lương Thu Trang) hành động hoàn toàn logic. Ví dụ chuyện chiếc bút rất có thể là vật chứng mà Hoa nhặt được ở hiện trường nhưng lại không giao cho công an. Với đúng nghiệp vụ của công an, người ta sẽ quây hiện trường phát hiện xác nạn nhân trong một bán kính nhất định. Khán giả cũng thấy cảnh Hoa đến và giơ thẻ nhà báo nhưng không được vào tác nghiệp.
Trong phim khoảng cách từ cái xác đến chỗ cái bút là rất xa. Nhưng vì Hoa thoáng nghe được về câu chuyện của người xung quanh bàn tán rằng cái xác có thể trôi rất xa hiện trường. Hoa đi đến địa điểm được chỉ dẫn và nhặt được chiếc bút. Ngay sau đó, công an lập tức xuất hiện và có sự cảnh báo từ anh bạn điều tra viên Tùng (Bảo Anh) rằng cô không được phép xuất hiện ở hiện trường, nhưng Hoa đã có chiếc bút trong tay. Với cá tính của mình cô ấy đã giữ lại. Tôi nghĩ mọi chuyện diễn ra rất hợp lý.
Còn về chuyện nhà văn cường điệu khi phá án thì theo tôi vốn cách suy nghĩ của họ đã có phần hư cấu hơn người bình thường rồi. Chắc khán giả đam mê dòng phim hình sự đều biết một sê-ri phim khá nổi tiếng ở nước ngoài có tên là “Nhà văn phá án”. Vậy nên chắc tôi cũng không cần bình luận sâu nữa. Tôi chỉ có thể nói rằng, nhân vật chính lúc đầu là tìm cảm hứng cho tác phẩm, sau đó cô bị cuốn vào chính bí ẩn của gia đình mình. Tuy nhiên do đặc thù nghề nghiệp suy luận của cô ấy sẽ mang tính “nhà văn” hơn là “điều tra viên”.
- Vậy anh có lường trước được những ý kiến trái chiều về vai của Lương Thu Trang?
Với cá nhân tôi thì có. Vì một diễn viên từ trước đến nay chưa từng đóng phim về đề tài hình sự chắc hẳn sẽ có phản ứng trái chiều, không thể có ai ngay lập tức hóa thân được mọi khán giả chấp nhận luôn cả. Tôi nghĩ Lương Thu Trang đã rất cố gắng thể hiện trọn vẹn tâm lý nhân vật. Hiện, cô vẫn còn sẹo ở chân trong quá trình thực hiện các pha hành động. Với tôi cô ấy đã thể hiện rất tốt nhân vật trong kịch bản.
- Là biên kịch của phim, anh có hài lòng với sự thể hiện của các diễn viên không? Ai là người để lại cho anh ấn tượng nhiều nhất?
Với các diễn viên, bản thân tôi hoàn toàn hài lòng. Bên cạnh Lương Thu Trang, tôi cảm thấy rất ấn tượng với Ngọc Lan (bà Diễm) và Ngọc Huyền (Mai - con gái bà Diễm). Đây mới là phim thứ hai của Ngọc Huyền nhưng bạn ấy làm khá tốt. Ban đầu khán giả có thể thấy nhân vật này nhí nhảnh, nhưng dần dà về những tập cuối Mai sẽ có sự chuyển biến, không còn là sự trong sáng ngây thơ, phản ứng tâm lý của nhân vật sẽ thay đổi nhiều.
- Anh có thể tiết lộ một chút về sát nhân K hay chuyện tình của cặp đôi Lương Thu Trang và Bảo Anh?
Tôi chỉ có thể nói, như mọi người đoán, họ sẽ nảy nở tình cảm. Nhưng có đến với nhau hay không thì khán giả nên theo dõi đến cùng chứ. Còn chắc chắn sát nhân K sẽ lộ diện nhưng tôi chưa thể tiết lộ nhiều. Thông cảm nhé! (Cười)
Chia sẻ một chút, tôi là một trong các diễn viên đóng sát nhân K trong những tập đầu tiên. Trong phim chúng ta đều biết có hai sát nhân K, một sát nhân K trong tưởng tượng của Hoa, hai là sát nhân K thật ngoài đời. Và tôi đảm nhận vai diễn sát nhân K trong tưởng tượng của cô nhà văn đó.Lúc đầu nghĩ lại cũng khá thú vị, tôi có xin đóng vai thầy bói, một nhân vật phụ đóng vai trò là đường dẫn trong phim. Thường những kịch bản tôi viết, tôi đều ra hiện trường để quan sát, biết cách đạo diễn xử lý tình huống, đồng thời xem phản ứng của diễn viên khi hóa thân, để sau viết những bộ phim mới sẽ hoàn thiện hơn.
- Một bộ phim người ta thường nhắc nhiều tới diễn viên, đạo diễn mà quên mất đi biên kịch. Anh có cảm thấy chạnh lòng không khi công sức bỏ ra cũng không hề nhỏ?
Cá nhân tôi thấy như vậy không vấn đề gì. Mọi người vẫn cứ nói "Văn học là gốc", nhưng chính người đạo diễn và diễn viên là những người xử lý câu chuyện văn học đó sao cho sinh động chân thực nhất. Có câu “Kịch bản tốt chưa chắc phim đã hay”, nhưng kịch bản dở nhiều khi vào tay đạo diễn tốt vẫn thành phim hay. (Cười)
Kịch bản đã thành phim. Đó luôn là hạnh phúc của người làm công tác biên kịch. Hi vọng khán giả sẽ tiếp tục đồng hành với bộ phim.
- Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện, chúc bộ phim Mặt Nạ Gương sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công!
Bình luận