• Zalo

VAFI lại 'giục' sớm niêm yết Sabeco và Habeco

Kinh tếThứ Ba, 17/05/2016 04:01:00 +07:00Google News

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lần thứ 2 có công văn kiến nghị Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

(VTC News) - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lần thứ 2 có công văn kiến nghị Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản 863/HHĐTTC ngày 10/05/2016 gửi Bộ Công thương  đề nghị Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và  Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước Giải Khát Hà Nội (Habeco) phải thực hiện ngay việc niêm yết theo QĐ 51/2014/QĐ-CP ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco và ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng, thường  trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp của Bộ Công thương có phản hồi rằng Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết. Những lãnh đạo này cho rằng để Sabeco được niêm yết thì cổ phần Nhà nước phải dưới 80%/vốn điều lệ”.
VAFI lại giục sớm niêm yết Sabeco và Habeco
VAFI lại giục sớm niêm yết Sabeco và Habeco
Ngày 16/5,  VAFI đã có phản hồi câu trả lời của đại diện Sabeco và đại diện Bộ Công thương. VAFI khẳng định Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết.

Theo VAFI, Điểm d Điều 8 nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ quy định chi tiết  thực thi một số điều của Luật Chứng khoán có nêu rõ “… một trong những điều kiện  để doanh nghiệp được niêm yết thì tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ …”.

Nếu chiểu theo quy định này thì Sabeco và Habeco không đủ điều kiện niêm yết tại thời điểm đó vì cổ phần Nhà nước chiếm tới gần 90% tại Sabeco và 82% tại Habeco.

Tuy nhiên VAFI lý luận Chính phủ đã kịp thời ra Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc đó để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Nhà nước lớn thực hiện  cổ phần hóa gắn với niêm yết chứng khoán.

Những ví dụ cụ thể như mà VAFI đưa ra là Vietinbank thực hiện niêm yết vào ngày 3/7/2009 với tỷ lệ cổ phần Nhà nước là 89% vốn điều lê, Vietcombank niêm yết tháng 9/2009 với tỷ lệ cổ phần nhà nước là 90% vốn điều lệ,...

Để thể chế hóa pháp luật, ngày 2/8/2010 Chính phủ ban hành Nghị định 84/2010/NĐ-CP nhằm sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 trong đó tại Điểm 9 Điều 1 có nội dung : Sửa đổi Điểm d Khoản 1 Điều 8 như sau : “Tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước  chuyển đổi thành công ty cổ phần theo qui định của Thủ tướng chính phủ”.

VAFI nhấn mạnh quy định sửa đổi có ý nghĩa rằng mọi doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà kinh doanh có lãi và có trên 100 cổ đông đều đủ tiêu chuẩn niêm yết, không tính tới việc cổ đông bên ngoài nắm giữ bao nhiêu cổ phần.

Vì vậy, VAFI một lần nữa kiến nghị Sabeco và Habeco thực hiện niêm yết và thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

VAFI cho rằng nếu như Sabeco và Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại 2 doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỷ đô la nữa.

Sau khi thoái toàn bộ vốn tại Sabeco và Habeco, VAFI tin rằng quản trị doanh nghiệp sẽ tốt lên, thu ngân sách từ các loại thuế , phí sẽ tăng lên còn nếu chậm trễ trong việc thoái vốn hoặc thoái vốn nửa vời cộng với năng lực quản trị yếu kém thì rất có thể nhà nước sẽ không thu được bao nhiêu từ việc thoái vốn sau này .

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn