• Zalo

Vạch trần thủ đoạn nhóm siêu trộm chuyên đột nhập tiệm vàng miền Tây

Thời sựThứ Hai, 01/08/2016 17:47:00 +07:00 Google News

Do nghiên cứu kỹ, nhóm siêu trộm chuyên dùng ghe máy, vỏ lãi (xuồng nhỏ) để đột nhập các tiệm vàng ven sông miền Tây, sau khi cắt khóa lấy được vàng liền lên ghe bỏ chạy.

Ngày 1/8 Công an TP Cần Thơ đã họp báo thông tin chính thức vụ bắt băng siêu trộm gây bất an trong xã hội của khu vực ĐBSCL trong thời gian qua.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh - giám đốc Công an TP Cần Thơ, người chủ trì buổi họp báo cho biết ngày 7/1/2015 tại huyện Phong Điền TP Cần Thơ đã xảy ra vụ trộm phá cửa đột nhập vào tiệm vàng Hiện -Tính Hà (ấp Thị Tứ, thị trấn Phong Điền).

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, giám đốc Công an TP Cần Thơ, chủ trì buổi họp báo

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, giám đốc Công an TP Cần Thơ, chủ trì buổi họp báo

Băng trộm đã lấy đi hơn 61 lượng vàng 15K, hơn 7,2 lượng vàng 23K và 81 gram vàng Ý với tổng trị giá hơn 1,5 tỉ đồng.

Hơn 10 ngày sau đó, Công an TP Cần Thơ lập chuyên án để triệt phá thì cũng được biết các tỉnh khu vực miền Tây nhiều tiệm vàng cũng bị trộm vàng và với thủ đoạn trộm cắp giống tại Phong Điền.

Công an TP Cần Thơ đã báo cáo Bộ Công an và được chỉ đạo thành lập ban chuyên án có sự phối hợp với công an các tỉnh ĐBSCL, do Công an TP Cần Thơ làm chủ công.

Đến nay ban chuyên án đã bắt bảy người trong nhóm “siêu trộm” này gồm: Nguyễn Văn Dân (42 tuổi), Lê Văn Mười (39 tuổi, đều ngụ tại Bạc Liêu và đang tạm trú ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long), Lý Văn Đợi (còn gọi là Méo, Hải, 52 tuổi),

Nguyễn Văn Điệp (còn gọi là Lùn, 44 tuổi), Nguyễn Minh Thắng (còn gọi là Thanh Mập, 53 tuổi), Phùng Thanh Tâm (42 tuổi, đều ngụ tại TP.HCM) và Lê Văn Dũng (50 tuổi, ngụ tại huyện Trà Ôn, Vĩnh Long).

Trong đó Đợi có năm tiền án về tội trộm cắp, tiêu thụ tài sản. Điệp, Tâm cũng có hai tiền án về tội trộm cắp.

Nguyễn Văn Dân (trái) và Nguyễn Văn Điệp

Nguyễn Văn Dân (trái) và Nguyễn Văn Điệp

Do có “thâm niên” nên trong quá trình gây án, băng trộm trên đã có sự chuẩn bị kỹ, phương thức thủ đoạn rất tinh vi như chở máy theo ghe lớn, rồi lấy cắp vỏ lãi đặt máy đó chạy đi trộm vàng, thực hiện trót lọt thì nhấn chìm võ lãi để xóa dấu vết.

Bảy “siêu trộm” này chia thành hai nhóm: nhóm 1 gồm Đợi, Điệp và Mười. Nhóm 2 gồm Dân, Dũng, Thắng và Tâm.

Cả hai hai nhóm đều biết nhau nên có một số vụ thành viên của hai nhóm này cũng "hỗ trợ" nhau khi nhóm kia có người không tham gia được.

Qua thời gian theo dõi, đến 2g10 ngày 30/7, ban chuyên án đã bố trí lực lượng bắt quả tang Đợi và Thắng khi cả hai đột nhập vào tiệm vàng Kim Hoàng - xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.

Tang vật công an tạm giữ được gồm bảy lượng vàng 18K, một ghe gỗ trọng tải khoảng 3 tấn có đặt máy D15 bên trong, một võ lãi trọng tải 500kg có gắn máy, một kìm cộng lực cùng một số vật dụng dùng để cắt, phá cửa và ổ khóa.

Qua khai thác mở rộng, cùng ngày 30/7 ban chuyên án tiếp tục bắt, khám xét khẩn cấp Lê Văn Mười, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Dân và Nguyễn Văn Điệp. Ngày hôm sau tiếp tục bắt khẩn cấp Phùng Thanh Tâm.

Đại tá Trương Văn Nam, trưởng Phòng cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Cần Thơ, cho biết nhóm “siêu trộm” này thường nhắm vào các tiệm vàng ở ven nội thị các xã, thị trấn, đặc biệt là tiệm vàng ven sông.

Lý do: chúng chỉ sử dụng phương tiện đường sông, đột nhập từ các cửa sau của tiệm vàng nằm ven sông. Nếu lực lượng chức năng đi tuần tra thông thường ở mặt đường, không có biện pháp nghiệp vụ hoặc tuần tra đường thủy “phớt ngang” cũng khó phát hiện.

Vì vậy, khi phá chuyên án này phải có phương án hoàn hảo. Cụ thể, ngoài lực lượng trinh sát, công an còn phối hợp với lực lượng đặc công thủy (PK20), CSGT đường thủy, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an để đảm bảo khi truy bắt sẽ không để đối tượng nào chạy thoát.

Cảnh sát hình sự được huy động để bắt khẩn cấp các đối tượng ở Trà Ôn - Vĩnh Long

Cảnh sát hình sự được huy động để bắt khẩn cấp các đối tượng ở Trà Ôn - Vĩnh Long

Thủ sẵn cây sẵn sàng tấn công chủ tiệm vàng

Thủ đoạn của băng “siêu trộm” là cử người đi khảo sát mặt tiền, hậu của các tiệm vàng và chấm chọn tiệm vàng dự kiến đột nhập cũng như khảo sát sự kiên cố để dùng phương tiện phá phù hợp.

Có tiệm vàng bị cắt qua bốn lớp cửa gồm cửa rào (bằng loại sắt đặc, ô vuông), sau đó tiếp tục cắt khóa cửa lá sắt, tiếp tục vào trong có hai lớp cửa kéo nữa thì cắt luôn mới vô khu vực chứa vàng.

Khi đến khu vực chứa vàng, một người sẽ đến quầy vàng lấy vàng, người còn lại cầm khúc gỗ dài 80cm, đến ngay cửa phòng chủ tiệm vàng ngủ phòng nếu họ phát hiện thì chắc chắn sẽ cho “ăn đòn” ngay.

“Bên ngoài, chúng đi rất nhiều vòng để xem lực lượng chức năng có ai theo dõi không, rất cảnh giác.

Đặc biệt, chúng thường đột nhập, lợi dụng đêm khuya trở về sáng, nhất là lúc các chợ bắt đầu nhóm chợ vì lúc đó có thể lợi dụng tiếng động nhóm chợ và cũng là lúc chủ nhà chủ quan vì nghĩ có người hoạt động như vậy ai mà lấy cắp để đột nhập cắt cửa thì chủ nhà không hay.

"Vàng trộm được chúng mang về nấu chảy ra, mang đi địa phương xe tiêu thụ để tránh bị phát hiện”, đại tá Nam thông tin.

Cũng theo đại tá Nam, đáng chú ý là khi đột nhập tiệm vàng, băng trộm này thường mang găng tay, đeo mặt nạ trùm kín, nên dù có camera ghi hình cũng không nhận dạng là sai. Có nhiều tiệm có camera cũng bị băng trộm bẻ quay đi nơi khác.

Có trường hợp sau khi cắt hai ba lớp cửa, đột nhập vào tiệm vàng, băng này còn bới cơm, xẻ dưa ăn xong mới lấy vàng.

“Nhóm trộm đã tính kỹ phương án đối phó, khi bị phát hiện thì lập tức chúng xuống võ lãi, chạy ra sông lớn giáp ranh hai tỉnh cách đó chừng vài trăm mét. Công an mà không chuẩn bị thì không thể nào đuổi kịp.

Chính sự tinh vi đó nhóm trộm hoạt động trót lọt trong một thời gian khá dài. Theo tổng hợp của chúng tôi trên các tỉnh Tây Nam bộ có trên dưới 20 tiệm vàng bị đột nhập thành công. Nhóm này đã khai nhận hơn 10 vụ.

Phá chuyên án này có thể khẳng định tất cả các vụ tiệm vàng ở miền Tây mất trộm thời gian qua đều do nhóm này gây ra.

Thông qua báo, đài công an kêu gọi các đối tượng còn lại ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật”, đại tá Nam nói.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn