Dịch COVID-19 khiến ban tổ chức V-League lần đầu tiên trong lịch sử phải thay đổi thể thức ngay khi giải đấu đang diễn ra. Sau giai đoạn lượt đi, 8 đội dẫn đầu sẽ đá tranh ngôi vô địch, còn 6 đội xếp sau tranh suất trụ hạng. Đây là thể thức tiến bộ, gần giống các giải VĐQG Hàn Quốc hay Scotland.
Thể thức thi đấu này có thể là lựa chọn tối ưu cho V-League ở thời điểm này. Dù vậy, không phải không có những bất cập mà VFF, VPF cùng CLB sẽ cần ngồi lại để tính toán chi tiết.
Lựa chọn tối ưu?
Trước khi quyết định đưa ra thể thức thi đấu gần giống giải bóng đá các đội mạnh Việt Nam cách đây 25 năm, VFF có 3 lựa chọn. Hoặc chỉ đá một lượt V-League để xác định thứ hạng, hoặc đá hai lượt như cũ.
Nếu cách đá đầu tiên khiến giải đấu bị rút ngắn một nửa, các đội chỉ còn 11 vòng trước mắt, đá hai lượt sẽ tạo áp lực khủng khiếp lên lịch thi đấu, phải thi đấu 24-28 trận trong 4 tháng để nhường chỗ cho ĐTQG tập trung. Cách thức cuối cùng là đá phân hạng giống giải VĐQG Hàn Quốc vừa rút ngắn số trận ở mức chấp nhận được (18-20 trận), vừa đảm bảo được cạnh tranh đến phút chót.
Việc 8 đội thi đấu vòng tròn để đua vô địch và 6 đội đua trụ hạng sẽ tạo ra kịch tính cao, khiến các trận đấu trong giai đoạn cuối có tính thực chiến, cạnh tranh cao hơn.
"Chúng ta đang vận hành các giải đấu theo hình chóp ngược. Ở trên thì nhiều đội mà ở dưới thì càng teo tóp đi. Để bảo đảm một quy chuẩn đúng nghĩa chuyên nghiệp, vận hành tốt, có cả tuyến trẻ thì 14 đội V-League hiện nay không có đến 10 đội có đủ tiêu chuẩn. Qua đợt này có thể gợi mở việc tái cấu trúc.
Có thể V-League chỉ còn 8 đội thôi. Và chúng ta sẽ áp dụng như Hàn Quốc, đá vòng tròn 2 lượt, sau đó chia nửa trên nửa dưới. Nửa trên đá tranh vô địch. Nửa dưới đá tranh trụ hạng", BLV Quang Tùng chia sẻ.
Sự thay đổi có thể mang lại hào hứng cho khán giả, khi thể thức cũ đã bộc lộ không ít bất cập như thiếu cạnh tranh, nhàm chán khi quá nửa số đội tham dự hết mục tiêu thi đấu và đôi khi là mảnh đất nảy sinh tiêu cực.
Khi cuộc đua vô địch gói gọn trong 8 CLB, cơ hội để mỗi đội có thể vô địch V-League sẽ được "cào bằng" tốt hơn, thay vì một, hai đội quá vượt trội phần còn lại. Tương tự, cuộc đua trụ hạng cũng sẽ rất kịch tính khi đội nào trong số 6 đội đua tranh cũng có nguy cơ xuống hạng.
"Nếu thể thức mới thu hút khán giả và khiến CĐV thích thú, nó luôn đáng để thử. Thể thức này sẽ tạo điều kiện cho số lượng lớn các trận đấu "chết bỏ" giữa các đội đang đua vô địch hoặc đua trụ hạng. Rất đáng để thử", ông Steve Darby, cựu HLV tuyển nữ Việt Nam, chia sẻ.
Điều chưa hoàn hảo
Tất nhiên, mọi thể thức cần phải dựa vào đặc thù nền bóng đá. Khi chưa áp dụng cách đá mới, rất khó để khẳng định đây là phương án hoàn hảo hay không. Trong bối cảnh hiện tại, dường như đây là phương án tốt nhất có thể.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, vấn đề có thể tồn tại ở việc tính điểm ở giai đoạn hai. VFF đang tính toán khả năng để các đội đá giai đoạn hai sẽ tái khởi động điểm số về 0. Cách thức này khiến lượt đấu giữa 8 đội đua vô địch và 6 đội đua xuống hạng sẽ cực kỳ quyết liệt.
Dù vậy, một đội bóng nào đó chắc suất trong top 8, liệu có chắc chắn đội đó sẽ đá hết sức khi về cơ bản, đứng thứ 1 hay thứ 8 ở giai đoạn một chỉ có lợi thế hơn thua nhau 1 trận sân nhà trong giai đoạn hai. Hay sẽ có những đội sẵn sàng buông... cả giai đoạn một, bởi giai đoạn hai đằng nào điểm số cũng về 0.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận có một thể thức thi đấu hợp lý dựa trên bối cảnh đã là nỗ lực rất lớn của ban điều hành giải. Chỉ có thực tế mới giúp kiểm chứng cách sắp xếp hiện tại có phát huy tối đa tiềm năng của giải hay không.
Bình luận