Năm 2023 đánh đấu bước chuyển quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, V.League 1 và V.League 2 khai mạc 2 mùa giải trong cùng một năm dương lịch. Sự thay đổi ấy mang nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với các câu lạc bộ.
Yêu cầu của sự phát triển
Cách đây vài tháng, khi V.League 2023 mới diễn ra được 4 vòng, giải đấu tạm dừng tới gần 49 ngày để tạo điều kiện cho... đội tuyển trẻ thi đấu. Điều này gây ra nhiều tranh cãi và không phải lần đầu tiên xảy ra đối với bóng đá Việt Nam. Hệ thống giải vô địch Quốc gia phải "hi sinh" để phục vụ lợi ích của đội tuyển.
Tuy nhiên, khi bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu hướng ra châu lục và từng bước hòa nhập với các tiêu chuẩn thế giới, sự ưu tiên nói trên cần phải có sự thay đổi. Khi đội tuyển Việt Nam đặt chân tới những giải đấu lớn như Asian Cup hay tiến sâu hơn ở vòng loại World Cup, cả hệ thống bóng đá cũng phải thay đổi cách vận hành.
Việc đội tuyển Việt Nam tập huấn dài ngày có thể mang lại lợi thế ở một số giải đấu nhất định. Tuy nhiên, khi đội tuyển quốc gia thi đấu trải dài trong năm theo lịch của FIFA, việc "xé vụn" giải đấu của các CLB trong nước lại mang đến nhiều bất cập.
Giải đấu bị hoãn dài ngày ảnh hưởng rõ rệt đến nhịp thi đấu của các CLB. Trên thực tế, lực lượng của đội tuyển quốc gia không gói gọn trong khoảng 30 người của mỗi lần công bố danh sách mà là hàng trăm cầu thủ ở các CLB.
Thời điểm huấn luyện viên Philippe Troussier nhậm chức ở đội tuyển Việt Nam, nhà cầm quân người Pháp nhấn mạnh yếu tố liên tục và toàn vẹn của hệ thống giải chuyên nghiệp. Đó mới là chân đế thực sự của một đội tuyển quốc gia.
Sự thay đổi là hợp với yêu cầu phát triển của nền bóng đá. Thêm vào đó, đây cũng là bước đồng bộ với xu hướng của châu lục. Sau khi một số liên đoàn thành viên đi tiên phong, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) bắt đầu dịch chuyển mùa giải theo lịch trình giống như bóng đá châu Âu.
Nỗ lực thay đổi
Sự thay đổi xuất phát từ nhu cầu của chính các CLB, để đảm bảo quyền lợi cho từng đội bóng trong hệ thống chuyên nghiệp. Chính vì vậy, đây là sự dịch chuyển mà cả VPF, VFF lẫn các CLB có sự đồng lòng và nỗ lực hướng đến cái chung.
Không dễ để thực hiện điều đó trong vòng một năm mà vẫn đảm bảo hệ thống vận hành không có tổn thất. Các CLB cũng chỉ có khoảng 2 tháng sau khi kết thúc mùa giải 2023 để chuẩn bị ngay cho mùa giải 2023/2024. Họ phải giải quyết các vấn đề về tài chính, nhân sự, kế hoạch tập luyện và thi đấu...
“Không có sự chuyển đổi nào không có những khó khăn thách thức. VPF hay các CLB đều phải đối diện với rất nhiều vấn đề phải xử lý ở giai đoạn bản lề trước khi chính thức chuyển đổi khung thời gian tổ chức giải đấu", Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc cho biết.
"Kế hoạch được thực hiện thuận lợi khi nhận được sự đồng thuận cao từ các CLB tham dự giải đấu. các CLB đều nhìn nhận đây là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài. Chính vì vậy, mùa giải lịch sử 2023/24 vừa bắt đầu khởi tranh một cách cách đầy hứng khởi, sôi nổi, tính cạnh tranh cao, mở ra nhiều hy vọng mới cho sự phát triển của các giải đấu trong tương lai".
Tất nhiên, khi quãng nghỉ của V.League ít đi, thời gian dành cho đội tuyển quốc gia tập huấn trong mỗi đợt tập trung giảm xuống. Trong hoàn cảnh đội tuyển Việt Nam đang ở bước chuyển giao, điều này có thể mang tới một chút bất lợi trước mắt.
Dù vậy, đối với HLV Philippe Troussier, việc các cầu thủ giữ được nhịp thi đấu ở CLB cũng là điều rất quan trọng. V.League mới là nơi họ thể hiện năng lực, chứng minh phong độ nhiều nhất.
Bình luận