V-League 2021 có nguy cơ trở thành mùa giải đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam bị dừng khi giai đoạn 1 còn chưa khép lại. Chiều 21/8, Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 7 khóa VIII Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua đề xuất dừng V-League 2021, giao Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thống nhất với CLB.
Với đa số đội V-League đồng ý dừng, mùa giải 2021 không còn triển vọng tiếp tục. Hệ lụy nào đang chờ bóng đá Việt Nam nếu các giải chuyên nghiệp bị đứt gãy?
Tiền lệ xấu
V-League, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia phải dừng trước thời hạn, VPF là bên đầu tiên chịu thiệt hại. Hiện nhà tài trợ chính của giải đấu là Tập đoàn LS (Hàn Quốc), với thỏa thuận tài trợ có thời hạn 3 năm.
LS cũng là đơn vị tài trợ cho V-League 2020. Mùa trước, số trận đấu bị cắt ngắn từ 182 xuống 134 (giảm 48 trận, tương đương số trận thực tế chiếm 73,6% số trận dự kiến), trong bối cảnh giải đấu phải thay đổi thể thức để đối phó với dịch COVID-19.
Mùa 2021, tình hình còn tồi tệ hơn. Nếu mùa giải dừng từ thời điểm này, số trận thi đấu thực tế là 84 trận, còn thiếu 50 trận so với số trận dự kiến, tức là V-League mới đi qua 62,7% hành trình. Mùa giải bị cắt ngắn đến gần nửa sẽ đặt VPF ở thế khó trong việc đàm phán với nhà tài trợ.
Có thể trong hợp đồng với VPF và Tập đoàn LS có điều khoản dừng giải đấu vì những lý do bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai, địch họa. Tuy nhiên, hủy bỏ phần còn lại của mùa giải sớm tới 6 tháng so với kế hoạch trước đó (VPF dự định hoãn V-League 2021 sang tháng 2/2022) là động thái có thể hủy hoại uy tín V-League và giải hạng Nhất.
Nhà tài trợ nào muốn đầu tư vào một giải đấu mà quyết định chơi hay nghỉ mong manh, bất nhất và dễ thay đổi? Nếu uy tín bóng đá Việt Nam đi xuống, nhà tài trợ hiện tại rút lui, các CLB có thể đứng ra chịu trách nhiệm?
Bóng đá Việt Nam hưởng lợi từ thành công của đội tuyển quốc gia giai đoạn từ năm 2018 đến nay, nhưng mặt bằng chung giải đấu chưa được đánh giá cao.
Từ cơ sở vật chất, tính cạnh tranh, cách làm bóng đá của nhiều đội đến cách hành xử của một số ông bầu đều chưa xứng tầm với hai tiếng "chuyên nghiệp". Toyota từng bỏ gói tài trợ 40 tỷ đồng/mùa cho V-League, nhưng chấp nhận rót tới 110 tỷ đồng/mùa cho Thai League.
Điều đó cho thấy các CLB cần góp phần xây dựng hình ảnh giải đấu. Cách đóng góp ấy không phải là quyết định đồng lòng "nghỉ chơi", khiến hệ thống bóng đá quốc nội tê liệt.
Dừng V-League 2021 để chờ V-League 2022, nhưng nếu năm sau vì nhiều nguyên nhân khách quan mà giải đấu tiếp tục gặp khó, ai dám chắc các đội không muốn dừng tiếp mùa giải?
Điều này có thể xảy ra bởi dừng giải đấu giờ đã trở thành tiền lệ. Thay vì tìm mọi cách cầm cự và nghĩ phương án để chơi, việc các đội chỉ tìm cớ để nghỉ, để bỏ giải làm méo mó bức tranh V-League vốn đã xộc xệch trong thời dịch.
Nỗi lo cầu thủ
Nếu V-League 2021 dừng ngay thời điểm này, tương lai hàng nghìn cầu thủ chuyên nghiệp đứng trước dấu hỏi lớn. Các cầu thủ sẽ mất "cần câu cơm" trong ít nhất 6 tháng, bao gồm tiền thưởng, lót tay và mức lương có thể giảm sâu hơn.
Một số cầu thủ có nguy cơ bị thanh lý, bởi CLB có thể cắt hợp đồng để rũ bỏ gánh nặng tài chính, tránh phải "nuôi quân" 6 tháng mà không thu lại giá trị. Hiện một số đội đã chia tay ngoại binh nhằm tiết kiệm chi phí như HAGL, SLNA, sắp tới có thể là Nam Định, CLB TP.HCM.
Nhiều cầu thủ phải đi làm các nghề khác để trang trải, phụ giúp gia đình. Khác với nghề nghiệp khác, nghề cầu thủ rất ngắn, chỉ kéo dài từ 10 đến 15 năm thi đấu chuyên nghiệp.
Dịch bệnh cùng quyết định dừng V-League lại lấy đi của tất cả 1 năm và để lại nhiều năm âu lo, hoang mang đang chờ trước mắt. Đó là nỗi lo về lương, thu nhập còn có thể giảm tới cỡ nào khi không ai dám chắc V-League 2022 sẽ không gián đoạn một lần nữa do dịch bệnh?
Trong năm 2021, số trận thi đấu chuyên nghiệp của các cầu thủ Việt Nam chỉ dừng ở con số 12 trận tối đa tại cấp CLB, với các cầu thủ dự bị, hạng Nhất, còn số còn khiêm tốn hơn nữa. Nghỉ thi đấu nửa năm, một năm, phong độ hay thể trạng còn có thể duy trì? Phải duy trì cuộc sống thế nào nếu khó khăn vẫn tiếp diễn?
Ngoài ra, đội tuyển quốc gia cũng chịu ảnh hưởng. Các tuyển thủ không có V-League để rèn cảm giác chơi bóng, sức cạnh tranh và duy trì động lực. Không thể đòi hỏi sự tiến bộ nếu Quang Hải, Xuân Trường, chỉ "tập chay" và chơi 6 trận vòng loại World Cup 2022 trong phần còn lại của năm, trung bình 20 ngày mới đá 1 trận trong 4 tháng còn lại.
Nhiều hệ lụy khôn lường đang chờ đợi bóng đá Việt Nam đằng sau một quyết định dừng giải. Tương lai thế nào, không ai có thể biết trước.
Bình luận