Phó chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga, ông Alexei Chepa, tuyên bố rằng Nga sẵn sàng nghe theo lời kêu gọi quay trở lại của PACE, tuy nhiên, chỉ trong trường hợp các cuộc đối thoại là bình đẳng và quyền hạn của phái đoạn Nga phải không được xâm phạm.
Ông Chepa nhấn mạnh vào trọng tâm của vấn đề: “Chúng tôi muốn được lắng nghe”. Theo ông, Nga muốn phái đoàn của mình không chỉ có nghĩa vụ đóng góp ngân sách, mà còn phải có quyền lợi tham gia bỏ phiếu tại Hội đồng một cách chính thức và đầy đủ.
Đại diện phía Nga khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ quay lại trong điều kiện Hội đồng đáp ứng được các quy chuẩn của luật pháp quốc tế”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng không nên phân biệt đối xử với Nga, cũng như các quốc gia khác.
Trước đó, vào ngày 10/4, trong phiên họp tháng, lần đầu tiên kể từ năm 2014, PACE với đa số phiếu thuận đã kêu gọi Nga thành lập phái đoàn quay trở lại, cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách của Ủy hội châu Âu.
PACE kêu gọi đối thoại tích cực giữa tất cả các bên để bảo vệ sứ mệnh của Ủy hội châu Âu và tránh tình trạng các quốc gia thành viên lớn quyết định rời khỏi tổ chức gây ra những hậu quả địa chính trị. Theo PACE, điều này cũng sẽ gây ra “những hậu quả cụ thể đối với công dân Nga”.
Trong nghị quyết được thông qua, PACE “kêu gọi chính phủ các quốc gia thành viên của tổ chức xem xét tất cả các phương án sẵn có nhằm đảm bảo tính cấp thiết về chính trị và sự bền vững về tài chính, tránh làm suy yếu các hoạt động của tổ chức”.
Văn kiện này nhấn mạnh rằng quyết định ngừng tham gia của Nga đối với các hoạt động của Ủy hội châu Âu đã dẫn đến "sự không ăn khớp" trong tổ chức khi một quốc gia thành viên có mặt trong cơ quan điều lệ này - ủy ban Bộ trưởng – nhưng lại vắng mặt trong cơ quan khác – Hội đồng.
Đáng chú ý là trong quá trình bỏ phiếu thông qua nghị quyết này, hầu hết các sửa đổi do phái đoàn Ukraine đệ trình đều không được Hội đồng tán thành. Cụ thể, phái đoàn Ukraine đã yêu cầu xóa bỏ mục đề nghị phía Nga đưa phái đoàn quay trở lại PACE.
Bên cạnh đó, nghị quyết được thông qua vẫn nhắc lại về “sự sáp nhập bất hợp pháp” của Crưm năm 2014, coi sự việc này là “vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương của Hội đồng châu Âu”.
Phái đoàn Nga tại PACE đã bị tước quyền bỏ phiếu kể từ năm 2014 sau sự việc Crưm sáp nhập vào Liên bang Nga. Đến năm 2017, chính quyền Nga đã quyết định ngừng chi trả các khoản đóng góp cho Ủy hội châu Âu. Trước khi quyết định này được đưa ra, Matxcơva là một trong những quốc gia thành viên có đóng góp lớn nhất cho ngân sách của Ủy hội với khoảng 30 triệu euro mỗi năm.
Ủy hội châu Âu (tiếng Anh: Council of Europe) là một tổ chức quốc tế làm việc hướng tới việc hội nhập châu Âu. Ủy hội được thành lập năm 1949 và có một sự nhấn mạnh đặc biệt trên các tiêu chuẩn pháp lý, nhân quyền, sự phát triển dân chủ, pháp quyền và việc hợp tác văn hoá.
Ủy hội có 47 quốc gia thành viên với khoảng 800 triệu công dân. Ủy hội khác biệt với Liên minh châu Âu (EU) nơi có các chính sách chung, các luật ràng buộc và chỉ có 27 nước thành viên.
Bình luận