• Zalo

Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quy trình 6 bước luân chuyển cán bộ trong ngành

Chính trịThứ Hai, 24/04/2023 22:23:00 +07:00Google News

Cán bộ luân chuyển ngoài việc phải có đủ các điều kiện chung còn phải có thời gian công tác trong ngành kiểm tra Đảng ít nhất 3 năm và ít nhất 10 năm công tác.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành đề án luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng.

Đề án nhằm đánh giá đúng thực trạng, tình hình đội ngũ cán bộ, công tác luân chuyển cán bộ ngành kiểm tra Đảng từ cấp huyện trở lên.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về việc luân chuyển cán bộ trong ngành kiểm tra Đảng làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quy trình 6 bước luân chuyển cán bộ trong ngành - 1

Kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: UBKT Trung ương)

Cán bộ luân chuyển còn hạn chế

Qua 10 năm thực hiện luân chuyển, tổng số cán bộ luân chuyển đi trong toàn ngành là 1.467 người, số lượng cán bộ luân chuyển trong nội bộ ngành là 18; tổng số luân chuyển đến toàn ngành là 1.783 người.

Trong đó có 6 thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cán bộ lãnh đạo cấp vụ thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương được luân chuyển đi các ngành, các cấp.

Số lãnh đạo ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương được luân chuyển đi công tác ở các ngành, các cấp là 165. Ngoài ra còn có 171 lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo cấp huyện đến giữ các chức danh lãnh đạo ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Số lãnh đạo Ủy ban kiểm tra các huyện ủy, quận ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh được luân chuyển đi công tác ở các ngành, các cấp là 1.302 người. Có 1.612 lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện; bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND xã và tương đương đến giữ các chức danh lãnh đạo ủy ban kiểm tra quận, huyện.

Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát thực tế hơn...

Tuy nhiên, số lượng cán bộ luân chuyển còn hạn chế; luân chuyển nội bộ ngành kiểm tra chưa được quan tâm, số lượng luân chuyển nội bộ rất ít. Cụ thể trong 10 năm, có 18 lượt cán bộ được luân chuyển trong nội bộ ngành trên tổng số 1.467 lượt luân chuyển đi của ngành (đạt 0,12%) là quá thấp.

Cán bộ luân chuyển được bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm

Đề án nêu rõ nhiệm kỳ 2021-2026, việc luân chuyển cán bộ được thực hiện trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương. Từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, giữa ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra cùng cấp với nhau.

Đối tượng luân chuyển là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng (trừ đối tượng diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý.

Cụ thể là thành viên ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương (chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban kiểm tra chuyên trách).

Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ thuộc cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp phòng thuộc cơ quan ủy ban kiểm tra cấp tỉnh.

Nguyên tắc bố trí chức danh luân chuyển cơ bản thực hiện bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm.

Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội có kỹ năng nghiệp vụ tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công bố trí.

Cán bộ luân chuyển ngoài việc phải có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn chung, phải có thời gian công tác trong ngành kiểm tra Đảng ít nhất 3 năm, còn ít nhất 10 năm công tác.

Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quy trình luân chuyển 6 bước:

Bước 1: Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch triển khai công tác luân chuyển cán bộ trong hệ thống ngành kiểm tra Đảng theo năm, nhiệm kỳ.

Bước 2: Căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy trực thuộc Trung ương rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, cho chủ trương.

Bước 3: Cơ quan ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với các địa phương, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.

Bước 4: Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp đề xuất của các địa phương đơn vị, tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển.

Bước 5: Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông qua danh sách nhân sự, chức danh luân chuyển.

Bước 6: Cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo.

Kim Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn