Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, đồng USD có xu hướng tăng giá so với nhiều đồng tiền các nước trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Việc tỉ giá tăng giúp những doanh nghiệp (DN) có nguồn thu từ ngoại tệ được lợi nhưng ngược lại gây sức ép bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty khác, nhất là việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu đầu vào.
Bức tranh này càng rõ hơn khi nhìn qua kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2018 của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lợi nhuận tăng theo tỉ giá
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2018 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy hiệu quả kinh doanh rất tốt. Doanh thu thuần đạt 23.145,7 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và lãi ròng là 374,3 tỉ đồng, gấp gần năm lần so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về mức lãi này, ông Nguyễn Xuân Thủy, người phụ trách quản trị và thư ký Vietnam Airlines, cho biết: “Bệ đỡ nằm ở lượng hành khách tăng cao, đồng thời doanh thu cho thuê chuyên cơ, thuê chuyến tăng mạnh”.
Tuy nhiên, do có nguồn thu và các khoản chi liên quan đến ngoại tệ nên Vietnam Airlines đã thấy rất rõ mức ảnh hưởng của tỉ giá. Theo đó, trong quý 2/2018, Tổng công ty ghi nhận lãi do chênh lệch tỉ giá hơn 300 tỉ đồng nhưng lỗ chênh lệch tỉ giá cũng rất cao ở mức 838 tỉ đồng, chiếm 3,5% doanh thu. Còn tính lũy kế năm tháng đầu năm, lỗ chênh lệch tỉ giá lên đến 1.181 tỉ đồng.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực hàng không nhưng do chủ yếu thu phí dịch vụ bằng USD nên Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã có khoản thu nhập từ lãi tỉ giá rất cao. Lũy kế sáu tháng đầu năm nay, đơn vị này lãi chênh lệch tỉ giá hơn 400 tỉ đồng và không ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỉ giá nào. Nguyên nhân, tỉ giá càng tăng thì lợi nhuận tính ra tiền đồng ngày càng dôi dư.
Ngành dệt may, một trong những lĩnh vực cũng bị ảnh hưởng khá nhiều từ tỉ giá, do đầu ra và đầu vào của các DN dệt may đều liên quan đến ngoại tệ. Song do mức cân đối lệch về phía đầu ra đến từ xuất khẩu nên doanh thu của một số đơn vị không những tăng trưởng mà còn kiếm thêm nhờ khoản lợi từ tỉ giá.
Đơn cử lũy kế sáu tháng đầu năm nay, Tổng Công ty May Việt Tiến có doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 2.751 và 127 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra, đơn vị này còn kiếm thêm khoản lợi nhuận từ lãi tỉ giá là 13,5 tỉ đồng.
Không ít nơi thua lỗ
Báo cáo tài chính quý 2/2018 vừa công bố của nhiều công ty cũng chỉ ra nửa đầu năm nay lỗ tỉ giá đã ăn mòn một khoản lợi nhuận đáng kể của họ. Ví dụ Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 lỗ do chênh lệch tỉ giá 11 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi đến 165 tỉ đồng. Việc công ty lỗ do tỉ giá vì có hai khoản vay bằng tiền USD và euro.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Trưởng ban Tài chính Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), rủi ro về tỉ giá là rủi ro trọng yếu nhất mà các công ty ngành dầu khí thường gặp phải. Đối với các đơn vị trực thuộc PVN hiện có tổng mức giao dịch bằng ngoại tệ thường xuyên hằng năm khoảng 5 - 7 tỉ USD thì mức độ ảnh hưởng của biến động tỉ giá là rất lớn. Theo ước tính từ đơn vị này, tỉ giá biến động tăng khoảng 2% sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỉ giá của các DN trong ngành hơn 1.800 tỉ đồng.
Tương tự, một loạt công ty khác cũng chung số phận. Trong đó phải kể đến Công ty Xi măng Hà Tiên 1 lỗ chênh lệch tỉ giá là 1,3 tỉ đồng, Nhựa Đông Á là 514 triệu đồng, Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong mất hơn 400 triệu đồng vì tỉ giá tăng...
Đây là những DN đã có báo cáo tài chính quý II đưa khoản lỗ chênh lệch tỉ giá vào hạch toán. Còn nhiều công ty khác đang lo ngại biến động tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vì khoản vay đầu tư khá lớn, đặc biệt là những đơn vị mà nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn sẽ gặp bất lợi khi USD tăng.
Có nhiều cách giảm rủi ro tỉ giá
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng HSBC, phần lớn các giám đốc tài chính cho rằng một trong những lý do lợi nhuận DN giảm là vì tác động tiêu cực do biến động tỉ giá của thị trường tiền tệ. Các DN được khảo sát cho rằng biến động tỉ giá là loại rủi ro mà họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất, dù có thể phòng tránh được.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng việc tăng tỉ giá có thể kéo dài, vì vậy DN cần có các giải pháp ứng phó phù hợp. Để chủ động trong hoạt động quản trị DN cần phải quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỉ giá. Một số biện pháp được dùng để hạn chế hoặc loại trừ biến động tài chính là hợp đồng hoán đổi (swap), giao dịch tương lai (derivative trading)…
Một số chuyên gia khác đánh giá có thể phòng ngừa rủi ro tỉ giá bằng cách DN mở tài khoản ngoại tệ ở nơi có các khoản phải thu, phải trả có cùng loại tiền tệ để không phải chuyển đổi giữa các đồng tiền. DN có thể đưa rủi ro tỉ giá vào biên lợi nhuận và gánh chịu rủi ro dự báo trước.
“Chẳng hạn, tỉ giá tăng bao nhiêu biên độ phần trăm thì đưa vào chi phí tương ứng. Nếu DN xuất khẩu cho một quốc gia và thanh toán bằng EUR hoặc USD thì có thể yêu cầu đối tác thanh toán ngay để được chiết khấu thay vì vài tháng sau mới trả. Do đó, đã kiểm soát được rủi ro tỉ giá khi tính theo tỉ giá giao ngay” - một chuyên gia nêu ví dụ.
Video: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến làng gốm Bát Tràng lao đao
Giá USD tự do lập mốc mới
Đến ngày hôm qua (15/8), giá USD trên thị trường tự do phổ biến ở mức 23.555 đồng (mua vào) và 23.580 đồng (bán ra). Trong khi đó giá USD tại các ngân hàng đã chững lại. Hiện Vietcombank báo giá USD ở mức 23.270 đồng và 23.350 đồng, tương ứng giá mua và bán.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng mới đây khẳng định với báo chí: NHNN điều hành tỉ giá không vì mục tiêu duy nhất nào mà phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỉ giá phù hợp cân đối vĩ mô, các diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng.
“Để bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô, điều hành thị trường tiền tệ, NHNN không chỉ căn cứ vào diễn biến tỉ giá trung tâm mà còn nhiều yếu tố khác như lãi suất, thanh khoản… để phối hợp với chính sách tài khóa, điều tiết bảo đảm mục tiêu đề ra” - bà Hồng khẳng định.
Bình luận