Mới đây, tài khoản C.T.T.N chia sẻ trên Facebook cá nhân câu chuyện của nhóm mình khi đi uống trà vải tại cửa hàng Phúc Long trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP.HCM.
Theo đó, khi uống gần hết cốc, một người bạn trong nhóm của N. phát hiện trong cốc nước có 1 miếng băng keo cá nhân.
Tài khoản này chia sẻ, sau khi thăm khám tại Bệnh viện Nhiệt Đới, bác sĩ phân tích tình trạng miếng băng keo cá nhân đã qua sử dụng, có khả năng dính máu rất cao nên khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan hay HP. Chủ nhân ly nước đang dùng thuốc phòng chống phơi nhiễm.
Hãng Phúc Long có thư phúc đáp gửi đến khách hàng về sự việc này. Phúc Long cho biết đã kiểm tra camera tại quầy pha chế thì không phát hiện điều gì bất thường.
Tại vị trí khách hàng ngồi và phát hiện băng keo cá nhân trong ly trà vải thì camera của cửa hàng không quay hình được. Phúc Long cũng cho biết mang băng keo cá nhân đi xét nghiệm tại 3 cơ sở y tế tại TP.HCM nhưng đều bị trả về với một lý do: "Không nhận xét nghiệm với những vật dụng đã mở".
Chưa biết sự việc đúng sai như thế nào, Phúc Long vẫn hỗ trợ chi phí ban đầu với số tiền 5 triệu đồng để khách hàng khám chữa bệnh.
Liên quan đến vụ việc trên, đại diện truyền thông của Phúc Long cho biết khi tiếp nhận sự việc đơn vị đã gặp trực tiếp khách hàng để làm rõ. Sau đó, đơn vị này chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.
"Chúng tôi có đủ bằng chứng và lẫn camera ghi hình vì vậy trường hợp này để công an giải quyết, nếu khách hàng có kiện ra toà thì chúng tôi sẽ đi hầu. Lúc đó Phúc Long sẽ đưa ra hết những bằng chứng có được trước toà. Chúng tôi sẽ không giải thích thêm về vấn đề này nữa", đại diện Phúc Long nói.
Bác sĩ lên tiếng
Về mối lo ngại trên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09 (Hà Nội) cho biết, HIV không bao giờ lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Tức là nếu uống nước có miếng băng keo dính máu nhiễm HIV cũng không thể bị HIV như nhân vật trên lo ngại.
Thậm chí, BS Hưng khẳng định, ngay cả việc người uống đang bị nhiệt miệng, lở loét hay tổn thương vùng miệng thì tình trạng lây nhiễm cũng không thể xảy ra.
“Chuyện này có thể lý giải bằng việc nếu uống trà, nước sẽ trôi thẳng vào dạ dày. Phần còn lại là virus HIV chỉ có thể lây nhiễm qua con đường vết thương hở, với nồng độ thích hợp”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Hưng, việc lây nhiễm HIV chỉ qua 3 con đường là: đường máu (dùng chung kim tiêm), quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Ngoài ra, do tính đặc thù nên thời gian tồn tại bên ngoài môi trường của virus HIV là rất ngắn. Vì vậy, miếng băng keo trong cốc nước trên khó có thể lây nhiễm HIV cho con người.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo do thuốc điều trị phơi nhiễm có tác dụng phụ, nên người dân chỉ nên sử dụng theo chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ và khi chắc chắn nguồn phơi nhiễm.
“Trong trường hợp uống trà có băng keo y tế trên, việc điều trị phơi nhiễm tôi cho là không cần thiết”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Bình luận