Đó là trường hợp của ông N.N.P. (62 tuổi, quê Long An). Khai thác bệnh sử, bệnh nhân bị gout mạn tính, hễ khớp chân tay đau nhức ông P. lại tự mua thuốc giảm đau về uống.
Theo thời gian, bệnh chẳng những không thuyên giảm mà các u cục nổi ngày càng to trên chân tay nhưng bệnh nhất nhất quyết không đi khám. Chỉ đến khi bị sưng đau các khớp cả tuần, đau tăng dần, mệt mỏi, chậm chạp, ông mới đến Bệnh viện Nhân Dân 115.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân mệt, đừ, da niêm nhạt, teo cơ gốc chi, sưng nóng các khớp cổ tay, gối, cổ chân, khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân 2 bên, nốt tophi rải rác ở các khớp tay, chân và đầu gối.
Kết hợp với các cận lâm sàng, sau khi thăm khám bác sĩ khoa Cơ xương khớp chẩn đoán bệnh nhân bị gout cấp trên nền mạn, hạ Na+ máu, suy thận cấp/mạn, Cushing do thuốc, viêm dạ dày.
Sau khi được điều trị nội khoa tích cực, hiện bệnh nhân đã tỉnh, sinh hiệu ổn, giảm đau các khớp.
Theo các bác sĩ, các loại thuốc giảm đau được đào thải rất mạnh bởi thận, khiến thận phải làm việc quá sức gây suy thận. Trong khi thận lại là nguyên nhân cốt lõi khiến cho bệnh gout ngày càng trầm trọng, dễ khiến người bệnh bị lắng đọng cục tophi trong dịch khớp hoặc ở các mô do không kiểm soát được nồng độ acid uric. Cục tophi không chỉ gây đau đớn, thoái hóa khớp, hư mặt khớp mà còn gây biến dạng và hạn chế chức năng vận động.
Nhiều trường hợp vỡ, nhiễm trùng, xương khớp bị phá hủy, viêm xương phải cắt cụt chi, thậm chí nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng.
Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc kháng viêm giảm đau thường gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn: chảy máu dạ dày, suy gan…
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên cảnh giác trước nhũng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc. Khi có triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa khớp để được tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc an toàn nhất.
Bình luận