• Zalo

Uống quá nhiều rượu bia, người Việt đang 'tự sát'?

Sức khỏeThứ Năm, 06/06/2019 14:53:00 +07:00Google News

Uống quá nhiều hay nghiện rượu lâu ngày, mọi người có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, xơ gan, đau dạ dày, suy thận, thậm chí sốc, ngộ độc dẫn thiệt mạng.

Uống ít cũng có hại?

Theo các chuyên gia, việc tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ hơn 300 lít rượu, gần 4,1 tỷ lít bia và đang có xu hướng gia tăng ở cả nam và nữ.

Cụ thể, trong khi năm 2010, Việt Nam ghi nhận 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày, thì đến năm 2015, tỷ lệ này tăng tới 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Như vậy, trung bình trong một năm, mỗi nam giới trưởng thành sẽ uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất. Cũng theo số liệu của Bộ Y tế vào năm 2015, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.

Tuy đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, nhưng theo thống kê của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hiện nước ta đã lọt nhóm 10 thị trường bia lớn nhất thế giới.

uong ruou

 Người việt đang tự hại mình vì thói quen uống rượu bia? (Ảnh: TN)

Uống bia rượu vô tội vạ sẽ kéo theo đó là gánh nặng về bệnh tật, nguồn lao động cần giải quyết. Theo các nhà khoa học, dù uống 1 lượng nhỏ, bia rượu vẫn ảnh hưởng tới thần kinh, tăng sự hưng phấn, mất khả năng làm chủ của con người và gây ra những hệ lụy về bệnh tật.

Với người uống ở mức nguy hại, rượu bia gây ra những tổn thương cấp tính hoặc lâu dài như tổn thương gan, suy chức năng gan, xơ gan, bệnh tim mạch, trầm cảm, loạn thần hoặc gây ra các hậu quả xã hội, tai nạn thương tích, bạo lực, giảm khả năng làm việc, thậm chí thiệt mạng do ngộ độc rượu hoặc sảng rượu.

Theo số liệu mới nhất do WHO cập nhật năm 2018 về tỷ lệ thiệt mạng và bệnh tật do bia rượu, Việt Nam đứng nhóm 4 về mức độ nặng nề. WHO chia 5 nhóm, trong đó 1 là nhóm có gánh nặng bệnh tật và thiệt mạng do rượu thấp nhất thế giới, 5 là nhóm cao nhất.

Không chỉ vậy, tại Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 được lãnh đạo của 154 quốc gia thành viên (có Việt Nam) thông qua năm 2015, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 169 chỉ tiêu, xoay quanh khía cạnh giúp phát triển con người bền vững, đó là: Xã hội, Môi trường và Kinh tế.

Với mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam ở mức báo động như hiện nay sẽ là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Nghiện rượu bia có thể hóa tâm thần

Theo PGS.TS Bùi Quang Huy - Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103, một người uống rượu liên tục không nghỉ mỗi ngày trên 300ml rượu 40 độ được coi là nghiện rượu.

Không ít người trong số đó, chỉ vì chén rượu, cốc bia mà hóa tâm thần. Cao điểm tại khoa có thời điểm số lượng bệnh nhân bị tâm thần lên tới 100 người, thì có tới 30% trong số đó bị chứng rối loạn về tâm thần do rượu bia gây nên.

“Hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận 2 - 3 người nghiện rượu nhập viện, có ngày 5 - 6 người. Độ tuổi nghiện rượu đa phần 40 - 50 tuổi. Tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều những bệnh nhân trẻ nhập viện do nghiện rượu hay sảng rượu đã không còn hiếm, bác sĩ Huy nói.

ruou bia 3

 Không ít người phải bỏ mạng vì "con ma men". (Ảnh: KM)

Cũng theo bác sĩ Huy, sảng rượu là trạng thái kỳ lạ ở các bệnh nhân nghiện rượu. Cụ thể, trong 24h đồng hồ sau khi uống rượu bệnh nhân sẽ không ngủ được, lúc nào cũng hoang tưởng, nghe thấy ma quỷ, chửi rủa, ám hại trong đầu. Thậm chí có bệnh nhân bị rối loạn về ý thức, không biết về thời gian, không gian, không rõ trời đang sáng hay tối.

Bác sĩ Huy cho biết, nguy hiểm nhất là cứ 100 bệnh nhân nhập viện do sảng rượu thì có tới gần 1/3 trong số đó sẽ chết. Điều này không hề lạ, bởi cấp cứu người sảng rượu rất khó, và được coi là cấp cứu tâm thân tối khẩn cấp.

“Những bệnh nhân sảng rượu thường rất dễ chết bởi nhiều lý do, có thể là tai nạn ngã từ tầng cao  vì luôn trong tình trạng hoang tưởng, có thể do rối loạn ý thức tự đâm chém vào bản thân mình dẫn đến thiệt mạng.

Tuy nhiên, nguy cơ cao nhất, thường gặp nhất vẫn là những người nhập viện do uống rượu dẫn đến viêm cơ tim, ngừng tim hay rối loạn điện giải. Trường hợp này bệnh nhân uống rượu sẽ ra mồ hôi như tắm, nôn, không uống được nước hay uống vào là nôn. Đây cũng những trường hợp cực kỳ khó cấp cứu nên thiệt mạng rất nhanh chóng”, bác sĩ Huy nhấn mạnh.

Người uống quá nhiều rượu hay nghiện rượu lâu ngày sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, xơ gan, đau dạ dày, suy thận, thậm chí sốc, ngộ độc dẫn tới thiệt mạng...

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, việc tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam thuộc những nước cao trong khu vực, ước tính mỗi người Việt trên 15 tuổi có thể tiêu thụ khoảng 8,3 lít cồn nguyên chất trong 1 năm (2016).

Như vậy, có khoảng 70% người Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu bia. Con số này nhiều hơn lượng bia rượu mỗi người Trung Quốc dùng và gấp 4 lần người Singgapore.

Năm 2018, chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở số 29 trên thế giới.

Video: Tác hại kinh hoàng của việc uống rượu bia khi đói

 

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn