Giống lan huệ Hồng Vân đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ vào tháng 11/2017. Theo Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là một trong những giống hoa đầu tiên do các nhà nghiên cứu của Việt Nam lai tạo thành công ở Việt Nam được bảo hộ.
Các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành lai tạo các giống hoa lan huệ bản địa (Hippeastrum sp.) có dạng hoa nhỏ, cánh đơn (6 cánh) và màu sắc hoa đơn điệu (chủ yếu gam màu đỏ, trắng hoặc cam) với các giống hoa lan huệ cánh kép nhập nội từ Nhật Bản và Hà Lan để tạo ra giống giống hoa Hồng Vân có dạng hoa bán kép (8 - 11 cánh/bông), đường kính hoa lớn (>21cm) và mùi thơm nhẹ. Cụm hoa gồm 4 hoa, độ bền một hoa từ 4-7 ngày, độ bền một cụm hoa từ 10 - 11 ngày và độ bền của các cụm hoa từ 20-30 ngày (trong điều kiện nhiệt độ 18oC-20oC).
Những đặc điểm trên đã tạo ra sự khác biệt (cánh bán kép) và cho phép giống hoa lan huệ của Việt Nam có thể cạnh tranh với các giống hoa lan huệ nhập nội từ Hà Lan và Braxin- những nước đã có lịch sử lai tạo Lan huệ hơn 200 năm và gần đây là các nước Mỹ, Nhật, Nam Phi, Đài Loan… Các giống hoa ngoại nhập hiện có giá thành rất cao tại thị trường Việt Nam, tuỳ giống có giá giao động từ 150.000 - 400.000 đồng/củ.
Các nhà Khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang nhân nhanh giống hoa, hoàn thiện công nghệ điều khiển thời điểm ra hoa theo ý muốn để phục vụ sản xuất.
Việt Nam đã tham gia tổ chức Bảo hộ giống cây trồng quốc tế (UPOV) từ hơn 10 năm qua. Học viện Nông nghiệp Việt Nam nổi tiếng đã có nhiều giống lúa được bảo hộ. Việc được cấp bằng bảo hộ giống hoa lan huệ Hồng Vân theo quy trình đánh giá khắt khe của UPOV đã khẳng định trình độ nghiên cứu và tạo giống hoa của các nhà khoa học của Học viện. Thành công này đồng thời góp phần giúp Việt Nam chủ động về nguồn giống hoa lan huệ, giảm giá thành sản xuất và mở hướng xuất khẩu giống hoa ra thị trường nước ngoài.
Bình luận