Theo đó, ngày 26/7/2013, Unilever Việt Nam đã làm đơn khiếu nại công ty Sao Thái Dương gửi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương). Ngày 9/8/2013, Cục Quản lý Cạnh tranh đã phải đứng ra để làm việc về những nội dung khiếu nại này.
Lúc này, nội dung khiếu nại của Unilever Việt Nam tập trung vào dòng sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3. Một trong những nội dung khiếu nại của Unilever Việt Nam chính là mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3.
Về vấn đề này, năm 2010 khi Sao Thái Dương tiến hành tra cứu và dự định nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông báo kết quả là tại thời điểm tra cứu không có đơn vị nào trên lãnh thổ Việt Nam được cấp bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng này. Kiểu dáng này không ai có thể đăng ký bảo hộ được vì không tạo ra được sự khác biệt đáng kể so với các kiểu dáng chai thông thường.
Ngoài vấn đề trên, Unilever Việt Nam còn khiếu nại “Công ty Sao Thái Dương cố ý sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn về kiểu dáng bao bì của sản phẩm nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh”.
Đại diện Công ty Sao Thái Dương cho rằng, họ không có mục đích như cáo buộc của Unilever Việt Nam: “Công ty muốn xây dựng một nhãn hiệu mỹ phẩm nội địa riêng của mình (sử dụng tên công ty) và mọi hoạt động kinh doanh đều tuân thủ theo quy định của pháp luật”.
Cùng đó, cụm từ “Dược liệu” trong tên gọi của sản phẩm cũng được Unilever Việt Nam cho rằng Sao Thái Dương sử dụng với mục đích nhấn mạnh sản phẩm có tính năng như thuốc, được dùng để phòng và chữa bệnh.
Phúc đáp lời “khiếu tố” này, Sao Thái Dương khẳng định: “Sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3 được đăng ký dưới dạng mỹ phẩm. Từ “Dược liệu” thể hiện nguồn gốc và thành phần của sản phẩm. Sao Thái Dương chắt lọc tinh hoa từ y học cổ truyền và các sản phẩm đều có nguồn gốc là nguyên liệu dược liệu từ thiên nhiên như hương nhu, mần trầu, ngũ sắc, sả, lá bưởi, lá chanh, lá dâu, bồ kết”.
Cũng liên quan đến cụm từ “Dược liệu” trên các dòng sản phẩm của Sao Thái Dương, mới đây, ngày 23/9, Sở Y tế tỉnh Hà Nam kết luận: “Qua xác minh cho thấy việc sử dụng cụm từ “Dược liệu” trong đặt tên sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3 và Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7 đã được các cơ quan có thẩm quyền là Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Sở Y tế TP Hà Nội, Sở Y tế tỉnh Hà Nam chấp nhận và cấp phép.
Công nhận tên gọi sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3 và Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7 phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.
Trên kết quả thăm dò cộng đồng của công ty Sao Thái Dương cũng cho thấy 100% đối tượng được hỏi đều cho rằng sản phẩm có tên “Dầu gội Dược liệu” là sản phẩm mỹ phẩm”.
“Chưa có cơ sở cho rằng tên gọi sản phẩm Dầu gội Dược liệu Thái Dương 3, Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7 có chứa cụm từ “Dược liệu” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng sản phẩm này có dược tính, tính năng như thuốc”, ông Văn Tất Phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam khẳng định.
Bình luận về những vấn đề này, đại diện Sao Thái Dương cho rằng cạnh tranh dựa trên lợi thế phát huy tinh hoa của y học cổ truyền và sử dụng nguồn dược liệu quý từ thiên nhiên trên lãnh thổ Việt Nam sẽ luôn lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Còn cạnh tranh dựa trên những “khiếu tố” thiếu thuyết phục sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng.
Video: Nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng: Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận lên tiếng
Bình luận