VFF đang hoàn tất các thủ tục để có thể bầu Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF trong thời gian tới – vị trí mà ông Trần Quốc Tuấn phải kiêm nhiệm sau khi ông Cấn Văn Nghĩa xin thôi giữ chức này.
Theo tìm hiểu, có 6 người được các tổ chức thành viên VFF giới thiệu ra tranh cử, gồm: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Động Lực Lê Văn Thành, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinacacao Trần Văn Liêng và cả Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn.
Trong số trên, ông Trần Anh Tú cho biết sẽ không tham gia tranh cử. Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn cũng sẽ rút lui và cuộc đua vào vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF dự kiến sẽ còn lại 4 người.
Ông Lê Văn Thành đang là Trưởng ban tài chính-tài trợ VFF đồng thời cũng là Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền, từng nhiều lần thất bại khi tranh cử ghế Phó chủ tịch VFF. Ông Phạm Thanh Hùng là Phó ban Tài chính-tài trợ VFF, doanh nhân kinh doanh vàng, phụ trách bóng đá nữ.
Hai ông Nguyễn Hoài Nam và Trần Văn Liêng đều từng thất bại trong cuộc đua ở đại hội 8 VFF.
Chia sẻ quan điểm về chọn Phó chủ tịch tài chính cho VFF, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng các ứng viên đều là những doanh nhân, họ nhìn đâu cũng thấy sản phẩm, cũng thấy lợi nhuận, thấy cơ hội để làm ăn. Nhưng điều quan trọng nhất, họ phải đảm bảo được sự trong sạch tài chính trước hết là của chính cá nhân họ.
“Hiện tại các ứng viên đều đang làm tốt công việc của mình ở CLB, công ty nhưng chúng ta nên nhớ đây là VFF, một tổ chức lớn và đi cùng với đó là rất nhiều lợi ích. Khai thác các nguồn lợi từ VFF để phát triển bóng đá Việt Nam là câu chuyện không hề đơn giản.
Trong những cái tên chúng ta vừa nên thì có một người đang gắn bó với CLB. Vậy sự xung đột quyền lợi giữa làm kinh doanh ở CLB với một tổ chức như VFF có xảy ra không?
Mặt khác, họ là những doanh nhân nhưng chúng ta chưa có bất cứ thông tin nào liên quan đến tình hình tài chính ở các công ty của họ. Họ có nợ nần, có vấn đề gì về mặt tài chính hay không?
Khi nói đến các ứng viên vào vị trí liên quan đến chuyện tiền bạc của VFF, chúng ta phải đề cập tới vấn đề trong sạch về mặt tài chính. Điều này rất quan trọng. Chúng ta đã có một ví dụ rất tày đình là ông Cấn Văn Nghĩa – người có rất nhiều vấn đề ở Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình mà lại được bầu làm Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Đó là vấn đề.
Vì vậy, tôi không đưa ra bất cứ bình luận nào cả. Tôi chỉ muốn họ đảm bảo về sự trong sạch tài chính của chính bản thân họ trước khi họ đảo bảo trong sạch tài chính đối với một tổ chức”, nhào báo Trương Anh Ngọc nói.
Cũng theo nhà báo Anh Ngọc, Phó chủ tịch tài chính VFF không chỉ nghĩ đến chuyện chỉ xin tài trợ từ các doanh nghiệp mà còn phải phát triển hình ảnh các đội tuyển, tạo ra những sẩn phẩm liên quan đến bán cho người hâm mộ. Đây là điều VFF đã làm nhưng còn manh mún. VFF cũng chưa bảo vệ được quyền lợi, hình ảnh đội tuyển trước thực trạng có rất nhiều sản phẩm giả liên quan đến hình ảnh các đội tuyển Việt Nam.
Bình luận