Đươc biết, đây là một trong những dự án được hỗ trợ theo tinh thần Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 10/3/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020. Dự án thực hiện 12 tháng (tháng 7/2016-7/2017), kinh phí hỗ trợ dự án được lấy từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ và kinh phí đối ứng dự án từ 6 hộ dân tham gia thực hiện trong dự án.
Nói về tính thực tế của dự án, ông Lê Ngọc Linh cho biết: "Việc thiếu nhân công cấy vào mùa vụ, gây khó khăn cho việc sản xuất lúa giống, kéo theo chi phí cấy lúa cao. Ứng dụng cơ giới hóa vào khâu gieo trồng bằng máy cấy lúa nhằm giảm áp lực về nhân công lao động nặng nhọc, giảm lượng giống, thuốc vệ thực vật, dễ cơ giới trong khâu chăm sóc khử lẫn.
Do vậy, các nông dân, tổ hợp tác rất cần đầu tư thiết bị máy cấy lúa để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu giảm lượng giống 150kg/héc-ta như hiện nay xuống còn 80-100kg/héc-ta, theo chủ trương giảm lượng giống gieo sạ nên việc ứng dụng máy cấy lúa vào sản xuất lúa là việc làm hết sức cần thiết".
Kết quả, sau 1 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 6 máy cấy lúa nhãn hiệu VP7D25 do công ty Yanmar sản xuất cho nông dân 5 huyện, thành phố: Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới, Tri Tôn và Long Xuyên; máy cấy hoạt động đạt công suất 0,35 ha/h (3 ha/ngày) với tổng diện tích 900 ha/6 máy/năm; chi phí cấy máy giảm ít nhất 40% so với cấy lúa bằng tay (tính trên ha); lượng giống cấy máy giảm ít nhất 25% so với cấy tay và sạ hàng; ruộng cấy máy có tỷ lệ mạ sống đạt ít nhất 95% và năng suất lúa không thấp hơn so với năng suất trung bình của địa bàn cấp xã có máy hoạt động.
Ông Lê Ngọc Linh cũng cho biết “Qua đánh giá từ thực tế, các hộ tham gia, nông dân trong vùng của dự án đều nhận định năng suất lúa cấy máy từ bằng đến hơn năng suất lúa cấy tay. Trong hội thảo trình diễn đánh giá hiệu quả của dự án, những nông dân tham gia đều đánh giá máy cấy lúa VP7D25 - Yanmar đã góp phần giảm công lao động nặng nhọc, chi phí trong SX lúa, độ đồng đều mạ cấy, cũng như số cây trên bụi tốt hơn cấy tay.
Các hộ dân tham gia dự án đã thu hồi vốn sau 1 năm thực hiện, từ 6 máy dự án hỗ trợ ban đầu, đến nay đã tăng lên 9 máy, đáp ứng một phần diện tích nhân giống. Từ đó, đi đến đánh giá tổng quan đây là loại thiết bị đáp ứng được nhu cầu SX lúa giống lớn, tập trung. Tuy nhiên, vì chi phí đầu tư máy cao so với năng lực sản xuất nhỏ lẻ nên bà con vẫn còn ngần ngại.”
Ông Lê Ngọc Linh cũng cho hay, các bộ phận của máy được liên kết, lập trình sẵn nên việc vận hành máy khá đơn giản, tuy nhiên ở mỗi điểm xây dựng dự án đều có bố trí cán bộ hướng dẫn và chỉ đạo kỹ thuật. Đồng thời, có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người tham gia trong suốt quá trình thực hiện.
Việc thực hiện dự án đã giúp nông dân trong tỉnh tiếp cận với thiết bị công nghệ máy cấy lúa VP7D25-Yanmar, nắm rõ quy trình cấy trong khâu cấy lúa để sản phẩm lúa giống đạt chất lượng cao nhất. Từ đó, góp phần giúp người dân chủ động trong khâu gieo trồng, nâng cao chất lượng, giảm lượng giống, giải quyết tình trạng thiếu lao động thời vụ, giảm áp lực sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc BVTV.
Đồng thời, việc ứng dụng máy móc thiết bị trong khâu gieo trồng còn góp phần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện đại hóa sản xuất, từ đó, nâng cao tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các loại hình dịch vụ hiệu quả ở nông thôn.
Bình luận