• Zalo

Ứng dụng công nghệ thông tin, ngành giáo dục Gia Lai thay đổi thế nào?

Giáo dụcThứ Năm, 29/11/2018 14:58:00 +07:00Google News

Là một tỉnh vùng cao Tây Nguyên với diện tích rộng lớn, nơi hội tụ của 34 dân tộc cùng sinh sống nhưng Gia Lai lại tạo ra sự thay đổi nhanh chóng về quản lý giáo dục nhờ chiến lược đúng về ứng dụng công nghệ thông tin.

Cuộc cách mạng số hoá đã xuất hiện ở Gia Lai sau 3 năm hợp tác xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, cụ thể là hệ thống phần mềm quản lý trường học - SMAS trong quản lý. Kết quả ban đầu ngành đạt được là sự đồng nhất trong hệ thống dữ liệu học sinh để phục vụ các công việc kiểm tra, rà soát, tuyển sinh sao cho nhuần nhuyễn.

Giải tỏa áp lực cho người giáo viên

Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia giáo dục ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực của người giáo viên chính là hồ sơ, sổ sách. Ngoài giờ giảng trên lớp, thầy cô còn “bội thực” vì giấy tờ, báo cáo. Họ không còn có đủ sức lực và thời gian để sáng tạo bài giảng.

Trước đây, mỗi giáo viên Gia Lai sau khi chấm bài sẽ nhập điểm bằng tay của từng môn học vào sổ, chép thành nhiều bản và khi sai sẽ làm lại từ đầu. Đây cũng là công việc thường nhật của nhiều giáo viên khác trên cả nước. Còn bây giờ với phần mềm SMAS giáo viên sẽ nhập điểm, sửa điểm dễ dàng, in ra nhiều bản khi cần thiết.

11

 Hiệu trưởng Cao Xuân Hà -  Trường THPT Phan Bội Châu (Gia Lai) trao đổi với phóng viên.

Trong mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình, phầm mềm có phiếu báo điểm điện tử chủ động nhắn tin cho phụ huynh mỗi khi học sinh có điểm số mới. Điều này được cha mẹ đánh giá cao, đồng thời giúp cha mẹ theo dõi sát quá trình học tập toàn diện của con khi truy cập điểm trên website nhà trường.

Tác động của công nghệ 4.0 không chỉ đến với phụ huynh, học sinh mà còn ở công tác quản lý của các cấp lãnh đạo bao gồm hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT.

Nếu trước kia khi cần số liệu, hiệu trưởng phải tâp hợp giáo viên lại để báo cáo và gửi lên cấp trên thì bây giờ chỉ cần một click sẽ có đầy đủ thông tin học sinh đã làm đến bài kiểm tra nào, điểm số ra sao. Từ đó lãnh đạo cấp Sở cũng dễ dàng quản lý thông tin để báo cáo lên Bộ GD&ĐT khi cần thiết.

Ông Cao Xuân Hà – Hiệu trưởng trường THPT Phan Bội Châu, Gia Lai đánh giá việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin do Sở đưa vào sẽ làm cho các bộ phận báo cáo nhanh hơn, gọn hơn và dữ diệu khi cần sẽ có ngay. Điều này gúp việc việc quản lý của giáo viên tốn ít thời gian.

Hiện tại Gia Lai đã gần như bỏ việc báo cáo bằng giấy và sử dụng sổ điểm điện tử ở tất cả các trường học của các cấp.

Thậm chí xã heo hút nhất Gia Lai là Hà Đông nằm cách trung tâm huyện Đak Đoa 50km, nằm lọt thỏm giữa thung lũng, đói nghèo vẫn đeo bám cũng có tỷ lệ 100% trường học thực hiện áp dụng công nghệ 4.0.

Để thực hiện điều này, Sở Giáo dục Đào tạo Gia Lai đã được Tập đoàn Viettel hỗ trợ xây dựng hạ tầng, có chế độ miễn phí tin nhắn cho người dân tộc, hộ nghèo và mang thiết bị 3G, 4G về từng trường xa xôi nhất.

Nhờ thực hiện đồng bộ nên mỗi học sinh Gia Lai đều có một mã số định danh cá nhân duy nhất chạy xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, được coi như học bạ điện tử, thuận tiện trong tuyển sinh đầu cấp. Hồ sơ của học sinh sẽ tự động chuyển vào trường, hiệu trưởng sẽ xét duyệt và trả lại sau khi có kết quả.

Vì sao Gia Lai áp dụng công nghệ thông tin thành công?

Để có được sự đồng nhất trong cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục trên toàn tỉnh, Gia Lai đã trải qua thời gian sử dụng đồng thời nhiều phần mềm khác nhau.

Thời gian đó vì “mạnh ai người đó làm” nên các thông tin chỉ giúp ích cho một trường độc lập, không chia sẻ và tổng hợp dữ liệu cho toàn ngành được.

Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, bằng quyết tâm đặt lợi ích của ngành lên trên, Gia Lai chọn phương án phù hợp nhất là áp dụng đồng bộ, triển khai trên tất cả các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.

41958996_1156708567829478_8397215127346085888_n 3

Tập đoàn Viettel ở Gia Lai hỗ trợ các học sinh khó khăn vùng sâu. 

Hiện tại, 100% các trường trên địa bàn tỉnh đã được số hóa cơ sở dữ liệu. Đây cũng là nhân tố quan trọng giúp Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai giám sát và quản lý được hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh một cách sát sao, thường xuyên mà không cần phải đến tận nơi quá nhiều lần.

Đây là kết quả có được nhờ sự triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên tất cả các trường học, giúp việc kết nối liên thông giữa các cơ sở giáo dục và Sở - điều mà nhiều thành phố lớn cũng chưa làm được.

Một lãnh đạo của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Gia Lai tiết lộ: “Quản lý giáo 4.0 thực ra cũng bắt đầu từ ý chí của người đứng đầu muốn quyết tâm số hóa mọi quy trình. Ý chí, quyết tâm chính trị đó được chuyển thành hành động quyết liệt và vì cái chung đã giúp Gia Lai triển khai thành công”.

Lãnh đạo này cũng bổ sung thêm, sau khi xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel, Sở GD&ĐT đang triển khai tiếp phần mềm hỗ trợ soạn giảng E-Learning, Ngân hàng đề thi trực tuyến cho các trường THPT và hệ thống học tập trực tuyến LMS (Learning Management System) cho các trường học.

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn