Diễn đàn này nằm trong khuôn khổ “Sự kiện Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ quốc tế” và “Hội nghị về hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN năm 2018” diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 03-05/10/2018.
Trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp đã được ghi nhận với một số tiến bộ vượt bậc. Đây là lĩnh vực luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong dài hạn, đóng góp tỉ lệ quan trọng vào GDP của cả nước.
Tính đến nay, cả nước đã có 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 nước xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực lớn nhất thế giới với các sản phẩm có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt là thu nhập của người nông dân đã được cải thiện, chỉ tính trong 10 năm từ 2008 đến 2017, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng 3,6 lần, từ 9,1 triệu lên 32 triệu/người/năm và dự kiến năm 2018 sẽ đạt 36-37 triệu/người/năm.
Quá trình phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp Việt 10 năm vừa qua là một trong các minh chứng tiêu biểu cho tác động của KH&CN với những bước phát triển mới làm tăng sản lượng, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%.
Điều này góp phần thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động và tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan trong việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các chương trình nổi bật mà Bộ KH&CN đang triển khai như: Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia và gần đây là Đề án 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 được ban hành từ năm 2016 nhưng đã tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là các start-up trẻ tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp…
Chia sẻ tại diễn đàn, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Tôi đánh giá rất cao vai trò của KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta có một đội ngũ cán bộ làm KHCN rất tâm huyết và sáng tạo. Lấy ví dụ về Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long, 70% diện tích phủ 4 triệu ha gieo trồng là nguồn giống từ Viện. Khoa học và chuyển giao công nghệ, cùng với việc tổ chức sản xuất là các yếu tố quyết định đến quá trình phát triển nông nghiệp”
Ông cũng nhấn mạnh: “Muốn xây dựng thương hiệu nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững thì doanh nghiệp phải đóng vai trò số 1 trong việc dẫn dắt chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm hơn 1%, trong đó 70% số doanh nghiệp này có số vốn rất nhỏ, dưới 5 tỷ đồng”.
Mặc dù đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Sự hạn chế trong khả năng tích tụ đất đai gây trở ngại cho ứng dụng công nghệ và đầu tư dài hạn, khoảng 90% đất nông nghiệp hiện thuộc các hộ nông nghiệp và trang trại, trong đó, nhóm hộ canh tác trên thửa ruộng dưới 0,5 hecta chiếm tới 69%; đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp vẫn rất hạn chế, mặc dù một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chuyển sang lĩnh vực này, nhưng nhìn chung vẫn còn rất ít, thêm vào đó là hiện trạng thiếu nhân lực trình độ cao và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu lạc hậu, không đồng bộ.
Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng hiện nay tập trung về lượng hơn là về chất, dẫn đến sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu và các hoá chất khác làm tăng chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp đối với môi trường.
Phát biểu tại diễn đàn, GS.NGND Nguyễn Quang Thạch, Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện nay nhà trường đang triển khai công nghệ 4.0 trong trồng rau sạch, phục vụ phổ cập kiến thức 4.0 ngay từ bậc học phổ thông cấp 1. Nhà trường đã ký kết hợp đồng đào tạo với trường quốc tế Victoria về nội dung ươm tạo các cháu từ cấp I đến cấp III trong toàn thành phố HCM về lĩnh vực công nghệ 4.0 ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao. Trường đã hình thành vườn rau thủy canh được điều khiển bằng hệ thống 4.0 làm mô hình đào tạo cho các cháu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, hợp tác quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Một số quốc gia có thể kể tới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan có những công nghệ gần gũi, nên chúng ta sẵn sàng nhập khẩu công nghệ mới của họ cũng như tiếp thu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo dựng được thị trường công nghệ lành mạnh, minh bạch, rõ ràng, tạo động lực cho người tiếp nhận và người chuyển giao.
Việc liên kết các doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu khoa học cùng đầu tư khai thác, cùng nghiên cứu chuyển giao, sản xuất kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo quy định của pháp luật là vô cùng quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Diễn đàn đã đem lại cơ hội quý báu để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp tìm được những giải pháp hiệu quả, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, sớm chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn và thương mại hóa trên thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận