Theo The Guardian, Ukraine đang cố gắng hàn gắn quan hệ ngoại giao với Đức sau khi từ chối chuyến thăm đã lên kế hoạch trước của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Kiev nói rằng họ thay vào đó sẽ chào đón chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz.
Đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melnyk – người thường xung đột với các chính trị gia Đức và cả ông Steinmeier – cũng nói rằng Thủ tướng Scholz sẽ được chào đón. Ông trước đó chỉ trích chuyến thăm của Tổng thống Steinmeier, cho rằng Ukraine không quan tâm tới các chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng mà không đạt được kết quả cung cấp vũ khí.
Tuy nhiên, theo cố vấn Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych trả lời trên truyền hình Đức, ông Zelenskiy không có ý định làm mất lòng Berlin. “Tôi nghĩ luận điểm chính ở đây là tổng thống của chúng tôi mong chờ Thủ tướng Scholz đến để ông ấy có thể trực tiếp đưa ra các quyết định thiết thực, bao gồm cả việc vận chuyển vũ khí”, ông nói.
Ở Đức, vai trò của tổng thống thiên về nghi thức, còn thủ tướng đứng đầu chính phủ.
Vụ Kiev “từ chối” Tổng thống Đức – người có lịch sử ủng hộ quan hệ với Nga, đã gây ra tranh cãi tại nước này. Thủ tướng Scholz cho biết cảm thấy “khó hiểu”. Ông nói: “Tổng thống đã muốn đến Ukraine, và được đón tiếp ông ấy là một điều tốt. Tôi không muốn bình luận thêm nhưng nói một cách lịch sự thì sự việc hơi khó hiểu”.
Khi được hỏi về kế hoạch đến thăm Ukraine, Thủ tướng Scholz không trả lời cụ thể nhưng nói ông thường xuyên liên lạc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, gần như nhiều hơn bất cứ chính trị gia phương Tây nào khác.
Quan chức đảng cầm quyền Dân chủ Xã hội Đức (SPD), Rolf Mützenich, cho rằng Ukraine nên tuân thủ các tiêu chuẩn ngoại giao tối thiểu. Ông kêu gọi các đảng dân chủ ở Đức bảo vệ Tổng thống khỏi những tấn công phi lý. Chuyên gia chính sách đối ngoại của SDP, Michael Roth, cho rằng việc chuyến thăm bị hủy là một “sự thất vọng lớn”, nhưng nói thêm hai bên cần duy trì đối thoại.
Trong xung đột tại Ukraine, sự ủng hộ của Đức được đánh giá là khá hời hợt. Đức đã chặn một lệnh cấm của EU với dầu Nga và từ chối cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, với lý do quân đội Đức cần những vũ khí này, và lực lượng Ukraine chưa được đào tạo sử dụng các vũ khí.
Trong khi đó, bản thân ông Scholz cũng chịu áp lực từ chính phủ của mình trong việc cần hành động mạnh mẽ và nhanh chóng hơn về vấn đề Ukraine.
Đức cho đến nay đã gửi vũ khí phòng thủ, bao gồm vũ khí chống tăng, bệ phóng tên lửa và tên lửa đất đối không đến Ukraine để đáp trả cuộc xung đột. Berlin cũng cho biết đã cung cấp nhiều viện trợ cho Kiev hơn bất kỳ quốc gia EU nào khác.
Bình luận