Ukraine đã nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp máy bay tiêm kích F-16 để đối phó các lực lượng Nga. Giới chức Kiev luôn tin rằng, chiến đấu cơ này là thành phần quan trọng giúp họ giành thắng lợi trong chiến dịch phản công đang diễn ra.
Tuy nhiên, do những hạn chế hiện tại, Ukraine chỉ nhận được được các thiết bị mô phỏng chuyến bay do Cộng hoà Séc cung cấp. Ông Serhii Nykyforov, người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, việc chuyển giao các thiết bị đào tạo mô phỏng cho Lực lượng Vũ trang Ukraine đã được hoàn tất.
Trong buổi trình diễn các thiết bị mô phỏng chuyến bay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được chứng kiến cách các thiết bị này, giúp huấn luyện phi công Ukraine vận hành máy bay chiến đấu của Mỹ mà không cần đến máy bay thực tế. Theo ông Serhii Nykyforov, công nghệ tiên tiến này sẽ giúp phi công nhanh chóng làm quen với mô hình máy bay hiện đại, đặc biệt là các thao tác chiến đấu.
Tuy nhiên, do phần lớn phi công của Lực lượng Vũ trang Ukraine không thông thạo tiếng Anh. Vì vậy, trong số 30 phi công Ukraine được huấn luyện trên mô phỏng, chỉ có 8 người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần thiết.
Trình mô phỏng chuyến bay của Séc
Theo Bulgarian Military, các chi tiết cụ thể liên quan đến thiết bị mô phỏng máy bay do Cộng hòa Séc cung cấp cho Ukraine vẫn chưa được tiết lộ. Cộng hòa Séc rất nổi tiếng về công nghệ mô phỏng chuyến bay, quốc gia này đã có nhiều bước tiến trong việc cải tiến và hoàn thiện các hệ thống này.
Đáng chú ý nhất là việc thiết lập trình mô phỏng cho chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle của Mỹ. Công ty Vrgineers và Razbam Simulations của Séc đã cùng phát triển một trình mô phỏng sáng tạo, đây là một giải pháp thay thế cho huấn luyện trực tiếp, mức độ mô phỏng rất gần với thực tế qua sự trợ giúp của màn hình 4K.
Các thiết bị huấn luyện rất nhẹ, có thể được lắp ráp chỉ trong 30 phút và dễ dàng vận chuyển. Thiết bị huấn luyện bao gồm máy huấn luyện phi công di động Vrgineers và tai nghe XTAL3 VR kết hợp với phần mềm mô phỏng F-15E của công ty Razbam.
Tầm nhìn của công ty Vrgineers
Mục tiêu của nhà sản xuất Vrgineers là đảm bảo tất cả các phi công được tiếp cận trình giả lập này, kế hoạch này có thể đạt được vào năm 2030. Do có kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ và tính cơ động linh hoạt, thiết bị mô phỏng này cho phép các phi công F-15 có thể huấn luyện ngay tại nhà.
Vrgineers nói rằng sản phẩm của họ là một công cụ thiết thực, tiện lợi cho người dùng, có khả năng truyền cảm hứng để mọi người có thể trở thành phi công F-15. Tuy nhiên, các chuyên gia và huấn luyện viên F-15E cảnh báo rằng thiết bị mô phỏng có thể khiến phi công không cảm nhận được cảm giác về tốc độ khi đang thực hành.
Vrgineers vẫn đang tìm cách cải tiến các mô phỏng, nhằm mục đích phát triển hệ thống học tập 1:1. Đó là tích hợp trình mô phỏng của họ vào hệ thống học tập thực tế hỗn hợp (MR) trong tương lai và chương trình này sẽ được triển khai vào cuối năm nay.
Các quốc gia tiềm năng trong việc cung cấp F-16
Chỉ vài giờ sau khi Washington ra tín hiệu đồng ý, đã có một số đồng minh sẵn sàng cung cấp F-16 cho Ukraine. Babak Taghvaee, là một nhà sử học và nhà báo có uy tín tiết lộ Đan Mạch và Hà Lan là nguồn chính, dự định cung cấp cho Ukraine 45 chiếc F-16. Vương quốc Bỉ với vai trò làm nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp lại những chiếc F11-16 trước khi chúng được chuyển giao chính thức cho Ukraine.
Babak Taghvaee nói rằng, 45 chiếc F-16 mà Đan Mạch và Hà Lan dự định cung cấp là nhằm thay thế và bổ sung cho những chiếc MiG-29 của Ukraine, đã bị bắn hạ trong thời gian xung đột với Nga.
Những vướng mắc
Mặc dù hiện tại chưa có nguồn tin xác nhận chính thức nào, nhưng nhiều suy đoán cho rằng Hà Lan có thể là một nguồn cung cấp máy bay chiến đấu F-16. Một nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết, thỏa thuận bán F-16 của Hà Lan cho công ty tư nhân Draken International đã đột ngột bị hủy bỏ, công ty này rất nổi tiếng với các chương trình đào tạo phi công.
Trước đó, vào đầu năm 2023 Hà Lan đã bán hàng chục máy bay chiến đấu F-16 và dự định sẽ bán thêm 28 chiếc nữa vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dự định trên đã phải huỷ bỏ. Hiện có nhiều suy đoán rằng, 28 chiếc máy bay chiến đấu F-16 này có thể sẽ được bàn giao cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Trong khi đó, số phận của những chiếc F-16 Đan Mạch cũng đang trong quá trình xem xét. Nếu Đan Mạch quyết định viện trợ những chiếc F-16 cho Ukraine, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với Argentina. Quốc gia Nam Mỹ cũng đang tích cực nâng cao năng lực không quân của mình, thông qua việc mua các máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch.
Trước đó, đã có những cuộc thảo luận về một thỏa thuận giữa Argentina và Đan Mạch để mua F-16, đã có các chuyến thăm của các nhóm kỹ thuật và chuyên gia để đánh giá tính khả thi của thương vụ này. Tuy nhiên, bất kỳ giao dịch mua bán nào liên quan đến vũ khí Mỹ đều phải cần có sự chấp thuận của Washington. Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Nhà Trắng vẫn không đưa ra bình luận về vấn đề này.
Bình luận