Chính quyền Ukraine, trong khuôn khổ cuộc điều tra riêng về vụ tai nạn rơi máy bay Boeing 737 của hãng hàng không UIA (Ukraine International Airlines) gần Tehran, có ý định xem xét kịch bản máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không Tor của Nga.
“Thông tin về việc phát hiện các mảnh vỡ của tên lửa Nga đã xuất hiện trên internet”, nhà báo Ukraine Yuriy Butusov, trích dẫn lời bình luận của Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksei Danilov đăng trên cổng thông tin Censor.net.
Butusov viết trên trang Facebook cá nhân: “Tối nay, theo quyết định của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ủy ban nhà nước phụ trách điều tra thảm họa Boeing của hãng UIA đã đến Tehran. Nhóm này gồm 45 người là đại diện của 12 bộ ban ngành. Hiện tại, một cuộc họp đang diễn ra với sự tham gia của đại diện các cơ quan có thẩm quyền của Iran, bao gồm cả ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) Iran. Các kịch bản khác nhau của vụ tai nạn máy bay bất ngờ đang được nghiên cứu, trong số đó có các kịch bản chính:
- Máy bay bị bắn hạ bởi các hệ thống tên lửa phòng không, bao gồm cả hệ thống Tor, bởi thông tin về việc phát hiện các mảnh vỡ của tên lửa Nga gần địa điểm xảy ra tai nạn đã xuất hiện trên Internet;
- Máy bay va chạm với UAV hoặc vật thể bay khác;
- Máy bay bị nổ động cơ vì lý do kỹ thuật;
- Có một vụ nổ bên trong máy bay do hành động khủng bố.
Ủy ban bao gồm các chuyên gia tham gia vào cuộc điều tra quốc tế về cuộc tấn công của quân đội Nga vào chiếc Boeing MH-17 của Malaysia.
Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay của Malaysia bị bắn rơi trên không phận Ukraine và quá trình kiểm tra các mảnh vỡ của tên lửa phòng không Buk của Nga cũng đã được tiến hành. Như bạn đã biết, các chuyên gia của chúng ta đã cho thấy được mức độ chuyên nghiệp cao trong vụ việc này.
Ủy ban của chúng ta hiện đang phối hợp với chính quyền Iran về việc đi đến hiện trường thảm họa và dự định tìm kiếm mảnh vỡ của tên lửa phòng không Nga – Tor, theo dữ liệu được công bố trên internet. Chúng ta đang sử dụng tất cả các kết quả của cuộc điều tra về vụ tấn công máy bay Boeing MH-17 để xác lập sự thật trong vụ việc của chiếc máy bay Ukraine ở Tehran”.
“Máy bay bốc cháy trên không”: Chuyên gia Iran đưa ra kết luận ban đầu
Máy bay Boeing 737-8KV của hãng hàng không UIA khai thác chuyến bay quốc tế PS752 trên hành trình Tehran-Kiev bị rơi vào ngày 8/1/2020, vài phút sau khi rời sân bay Tehran. 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Trong số những người thiệt mạng có công dân Iran, Canada, Thụy Điển, Ukraine, Anh, Đức và Afghanistan.
Vào tối ngày 8/1, hãng Reuters, trích dẫn nguồn tin trong cơ quan tình báo Canada, cho biết, các cơ quan tình báo phương Tây coi kịch bản có khả năng nhất của vụ việc là một trục trặc kỹ thuật. Nguồn tin này nói rằng, có bằng chứng về sự quá nhiệt của một trong những động cơ máy bay.
Vào sáng ngày 9/1, hãng Tasnim công bố những phát hiện đầu tiên của các chuyên gia thuộc ICAO Iran.
“Máy bay bốc cháy trên không. Theo các nhân chứng, ngọn lửa có thể nhìn thấy trên máy bay và lan rộng trên phần thân máy bay”- tài liệu nói. Theo các chuyên gia Iran, phi hành đoàn sau khi phát hiện sự cố đã cố gắng đưa máy bay quay trở lại sân bay khởi hành.
Báo cáo cho biết: “Quỹ đạo của máy bay, vốn ban đầu hướng về phía tây của sân bay, cho thấy nó đã quay lại sau khi vấn đề kỹ thuật phát sinh".
Cả hai “hộp đen” đều được tìm thấy nhưng theo phía Iran, chúng đã bị hư hại nghiêm trọng. Ông Hassan Rezaeifar, người đứng đầu cơ quan ứng phó khẩn cấp của ICAO Iran, cho biết: “Những chiếc hộp đen sẽ được giải mã trong phòng thí nghiệm nhà nước có uy tín của Iran. Đó là cách luật pháp Iran thiết lập các quy tắc ở đâu và làm thế nào để giải mã chúng”.
Cũng có thông tin cho rằng, từ lúc khởi hành cho đến khi gặp nạn, các phi công không hề phát đi thông tin báo cáo về tình hình khẩn cấp trên máy bay cho điều phối viên.
Hệ thống phòng không Tor là gì?
Hệ thống tên lửa phòng không chiến thuật mọi thời tiết Tor được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa ở cấp độ sư đoàn. Biến thể đầu tiên của Tor được đưa vào trang bị năm 1986.
Hệ thống Tor có chức năng bảo vệ các cơ sở hành chính, kinh tế và quân sự quan trọng, các thê đội bộ binh tuyến đầu khỏi các cuộc tấn công chống radar và tên lửa hành trình, máy bay điều khiển từ xa, bom hành trình, máy bay và trực thăng, bao gồm cả những thiết bị có công nghệ tàng hình.
Có khoảng một chục biến thể khác nhau của tổ hợp hiện đang phục vụ cho nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Ukraine và Iran.
Tính đến năm 2016, Iran sở hữu tổng cộng 29 tổ hợp Tor-M1 9K331.
Tổng thống Zelensky: Không nên đặt thuyết âm mưu
Tuyên bố của lãnh đạo Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cho rằng, những kinh nghiệm mà các chuyên gia Ukraine có được sau vụ điều tra thảm họa MH-17 ở Donbass không thể đem lại bất cứ điều gì ngoài sự hoang mang. Các chuyên gia người Ukraine không hề làm việc tại nơi MH-17 bị rơi và cũng không tham gia vào bất kỳ công việc tìm kiếm nào. Liên quan đến các mảnh vỡ, theo số sê-ri, nó thuộc về tên lửa phòng không thuộc sở hữu của quân đội Ukraine kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
“Mức độ chuyên nghiệp” của các chuyên gia Ukraine về vấn đề này có thể chỉ gây ra sự hối tiếc. Và sự lặp đi lặp lại luận điểm về “tên lửa Nga” trong thảm họa Tehran khiến mọi người nghĩ rằng, Kiev đang không cố gắng thiết lập sự thật mà chỉ là chơi lá bài chính trị.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu trước người dân liên quan đến thảm họa, có nói: “Tôi yêu cầu tất cả mọi người cần kiềm chế, tránh bóp méo sự thật, suy đoán, đặt giả thuyết âm mưu và đánh giá vội vàng về vụ tai nạn. Đây không phải là một chủ đề cường điệu, câu like trên mạng xã hội”.
Bình luận